Lời giải nào cho sự suy giảm bí ẩn của loài ong

  •  
  • 2.833

Sự ra đi “bất đắc kì tử” của hàng triệu triệu con ong ở nhiều nơi trên thế giới trong cùng một khoảng thời gian vốn là câu chuyện cũ từ nhiều năm về trước, nhưng lời giải cho bài toán suy giảm bí ẩn này đến nay vẫn xoay vòng theo nhiều kiến giải khác nhau. Ở mỗi một góc độ, con người ta lại đưa ra những giả thuyết không đồng thuận.

Các nhà nuôi ong châu Âu thì khẳng định chắc nịch rằng, thế hệ thuốc trừ sâu Neonicotinoids là thủ phạm chính gây nên cái chết hàng loạt của loài ong mật. Theo họ, loại thuốc này ban đầu tưởng chừng không gây hại cho động vật có vú nhưng trên thực tế lại gây hại cho phấn hoa và tác động gián tiếp tới loài ong, khiến chúng dễ nhiễm bệnh và chết chỉ trong thời gian ngắn sau đó.

Dù khá logic nhưng lí giải trên chưa đủ sức thuyết phục nhóm các nhà nghiên cứu khoa học. Nhiều nhà nghiên cứu thậm chí bác bỏ hẳn nghi án cho rằng, Neonicotinoids là thủ phạm giấu mặt. Theo họ, virus hoặc nấm mới là sát thủ đáng gờm. Tuy nhiên, việc xác định chính xác đó là loại nấm hay virus nào thì đến nay vẫn còn mâu thuẫn.

Trong khi nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha nhận diện, thủ phạm giết chết ong là nấm kí sinh Nosema ceranae thì nhà côn trùng học Diana Cox-Foster thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) lại tin rằng, virus gây tê liệt cấp tính Israel (IAPV) mới là nguyên nhân chính yếu. Ông cho biết, khi nghiên cứu những loài côn trùng chuyên đi thu thập phấn hoa, ông và các đồng nghiệp phát hiện thấy những con ong khỏe mạnh mang về tổ của chúng cả những phấn hoa có nhiễm IAPV. Loại vi rút này được phát hiện lần đầu vào năm 2002 và rất có thể chúng đã gây ra thảm họa cho loài ong.

Một số ý kiến thì nghiêng sang giả thuyết cho rằng, ong chết do mắc vi rút và một loại ký sinh sống trên mình ong có tên Varroa mite, còn gọi là mối ong.

Nghiên cứu sâu về hệ gen của ong, các nhà khoa học của Đại học Illlinois, Mỹ lại có kiến giải khác. Theo họ, sát thủ của 1/3 số ong mật tại Mỹ trong hai năm 2007 và 2008 không ai khác chính là chứng rối loạn sụt giảm bầy đàn (CCD - Colony Collapse Disorder), còn gọi là hội chứng rối loạn tổ chức đàn ong. Tuy nhiên, chưa thể tìm ra loại hợp chất nào là căn nguyên duy nhất dẫn đến chứng bệnh này.

Thêm một giả thuyết dung hòa khi cho rằng, con người mới chính là kẻ thù căn bản của loài ong. Chính hoạt động của con người đã phá vỡ trật tự sinh hoạt của ong mật, khiến chúng mất môi trường sống và bị nhiễm nhiều loại vi rút cũng như nhiều loại nấm. Các chất độc hại mà con người sử dụng tồn tại trong môi trường thường tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của ong, khiến chúng suy yếu hệ miễn dịch và không thể kháng cự.

Trong khi chờ đợi câu trả lời cuối cùng cho bài toán bí ẩn, dường như có một sự đồng thuận tạm thời cho rằng, loài ong đã phải chịu “kiếp nạn” từ một cuộc tổng tấn công tổng hợp bao gồm nhiều yếu tố tác động. Vì vậy, tuy chưa thực rõ ràng nhưng theo nhiều ý kiến, các nhà khoa học và chính phủ các nước nên nghiên cứu thêm về tác động của thuốc trừ sâu và tính đến phương án bồi thường thiệt hại cho những chủ ong nuôi. Bởi nếu không còn người nuôi ong, chắc chắn sẽ không còn ong, và cuối cùng chúng ta sẽ mất đi cả một nền nông nghiệp.

Nên nhớ rằng, ong là loài động vật đặc biệt quan trọng trong cuộc sống cũng như sản xuất nông nghiệp. Bởi một phần ba trái cây và đậu có được là do ong nuôi và ong tự nhiên thụ phấn. Bản thân nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein cũng từng khẳng định, nếu ong mật biến mất khỏi mặt đất thì con người chỉ tồn tại được bốn năm sau đó. Không còn ong mật, không còn hiện tượng thụ phấn, không còn cây cối, không còn động vật và không còn con người.

Theo Thiên nhiên
  • 2.833