Lupus, bệnh nguy hiểm tấn công phụ nữ trẻ

  •  
  • 1.323

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây nhiều biến chứng, chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, thường gặp ở nữ 20-30 tuổi.

Tiến sĩ Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TP HCM cho biết lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý của mô liên kết, tự miễn, có nghĩa cơ thể tự sản xuất ra kháng thể chống lại chính bản thân mình. Bệnh thường gặp ở nữ giới, nhiều gấp 9 lần so với nam. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu 20 đến 30 tuổi.

Theo bác sĩ Bách, bệnh có yếu tố di truyền, thường xảy ra ở người có HLA-DR 2, 3, 8, các gene mã hóa bổ thể C1q, C2, C4. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh là sử dụng một số thuốc, tiếp xúc ánh sáng mặt trời, nhiễm một số loại virus... Anh chị em ruột của các bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao gấp nhiều lần so với người thường.

Bệnh nhân lupus thường nổi ban, da xanh xao.
Bệnh nhân lupus thường nổi ban, da xanh xao. (Ảnh: healthline).

"Biểu hiện lâm sàng thường rất đa dạng, các triệu chứng ở nhiều cơ quan, không điển hình thường gặp là sốt, đau khớp, nổi ban ở da, phù, da xanh xao thiếu máu, rụng tóc, có khi khó thở, đau ngực", bác sĩ Bách chia sẻ. Các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác nên bệnh nhân khi khởi phát bệnh thường đi khám ở nhiều chuyên khoa. Nhiều người mất vài năm mới được chẩn đoán bệnh.

Bệnh gây tổn thương hầu hết hệ cơ quan cơ thể, trường hợp nặng đe dọa tính mạng. Những tổn thương ở các nội tạng thường gặp là tràn dịch màng tim, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm cầu thận, tác động lên hệ thần kinh gây co giật, rối loạn tâm thần, ở hệ tạo máu gây thiếu máu, xuất huyết...

Theo bác sĩ Bách, hiện nay việc điều trị có nhiều tiến bộ, có nhiều thuốc ức chế miễn dịch mới, ít độc tính hơn. Bệnh chưa thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát để hạn chế tái phát. Nếu khống chế bệnh tốt, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường. Quá trình điều trị phải kéo dài gần như suốt đời, quan trọng nhất là bệnh nhân phải theo dõi thường xuyên, định kỳ.

Tình trạng bệnh nặng nhẹ còn phụ thuộc vào cơ địa và mức độ mẫn cảm của cơ thể người bệnh. Có những bệnh nhân chỉ cần duy trì thuốc là sức khỏe ổn định, vẫn sinh con, sống cuộc sống bình thường, tuổi thọ cao. Có người vừa phát hiện bệnh là đã ở giai đoạn nặng, khó cứu chữa, tiên lượng xấu. Tuy nhiên đa số trường hợp phát hiện sớm, điều trị kịp thời vẫn mang lại nhiều cơ hội.

Thời gian sống còn của bệnh nhân ngày càng được cải thiện đáng kể, có thể đến 20-30 năm tùy số cơ quan tổn thương và hiệu quả điều trị. Tại châu Âu và Mỹ, 95% bệnh nhân lupus sống thêm được 5 năm, 90% trong 10 năm và 78% sống 20 năm.

Cập nhật: 15/07/2017 Theo VnExpress
  • 1.323