Lý do không thủy cung nào dám nuôi "sát thủ đại dương"

Tại sao không một bể thủy cung nào trên thế giới có cá mập trắng lớn?
  •  
  • 4.485

Cho dù bạn có đi tham quan bao nhiêu khu thủy cung ở nhiều nơi trên thế giới và được nhìn thấy nhiều sinh vật biển, vẫn có một loài mà bạn sẽ không bao giờ thấy ở những nơi đó: Cá mập trắng lớn. Tại sao lại như vậy?

Nguyên nhân là vì cá mập trắng lớn khi bị nuôi nhốt thường có thời gian sống rất ngắn và có xu hướng tự tử. Đã có nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra tại các khu thủy cung nổi tiếng ở Mỹ. Cá mập trắng khi ở trong bể cá có khi chỉ sống được đúng một ngày, nhiều thì vài ba ngày.

Thủy cung không thể trở thành ngôi nhà của cá mập trắng vì không thể đáp ứng những nhu cầu tự nhiên của chúng.

Cá mập trắng rất khó thích nghi với cuộc sống ở thủy cung vì nhiều lý do như chế độ ăn, không gian hạn chế và tác động từ môi trường bên ngoài, theo IFL Science.

Một vấn đề lớn là chế độ ăn. Cá mập trắng là động vật ăn thịt ở đỉnh chuỗi thức ăn, thường được mệnh danh là "sát thủ đại dương". Trong tự nhiên, chúng sẵn sàng nhịn đói cho đến khi tìm thấy con mồi sống. Nhưng trong môi trường thủy cung, nhiều con cá mập trắng nuôi nhốt thường từ chối ăn thịt chuẩn bị sẵn.

Cá mập trăng
Cá mập trắng không phải loài thích hợp để nuôi ở thủy cung. (Ảnh: Comicvine).

Cá mập trắng cũng là một trong những động vật sống dưới nước phải thường xuyên bơi về phía trước để nước chảy qua mang của chúng nhằm lấy dưỡng khí. Loài vật này thường dài tới 6 mét, do đó bề rộng của các bể nuôi trong thủy cung thường không đủ đáp ứng nhu cầu di chuyển của chúng.

Cá mập trắng quen bơi qua những hành trình dài. Các nhà nghiên cứu từng ghi chép về một con cá mập cái tên Nicole hoàn thành quãng đường hơn 20.000km từ châu Phi tới Australia và ngược lại chỉ trong 9 tháng.

Việc mô phỏng không gian rộng lớn ở biển, nơi cá mập trắng có thể bơi thoải mái, là mục tiêu bất khả thi. Khách tham quan sẽ mất hứng thú khi phải quan sát con vật từ khoảng cách quá xa.

Một giả thuyết khác cho rằng môi trường nhân tạo ở bể kính thủy cung có thể làm choáng ngợp hoặc gây rối loạn thụ quan điện cực nhạy của cá mập trắng. Giác quan này cho phép chúng phát hiện những chuyển động nhỏ và thay đổi trong môi trường nước. Tuy nhiên, ở bể nuôi, con cá mập rất dễ nhầm lẫn trước lượng lớn kích thích từ các bức tường kính tới những thiết bị điện bao quanh.

Một khi chúng ta đã biết tất cả những điều này rồi thì dù ở khu thủy cung nào đó có thể nuôi được một con cá mập trắng lớn, có lẽ chúng ta cũng không còn hào hứng để ngắm chúng nữa.


Con cá mập trắng chết sau ba ngày ở thủy cung Nhật Bản. (Video: AFP).

Thủy cung Okinawa Churaumi ở Nhật Bản là một trong những nơi cuối cùng nỗ lực nuôi nhốt cá mập trắng năm ngoái nhưng không thành công. Con cá mập chết chỉ sau ba ngày đưa vào bể.

Trước đó, hàng chục nơi khác từng thử trưng bày cá mập trắng trong bể nuôi. Marineland of the Pacific, một thủy cung nổi tiếng ở California, Mỹ, là nơi đầu tiên nuôi nhốt cá mập trắng vào giữa những năm 1950. Con cá mập sống chưa tới một ngày. Công viên SeaWorld cũng vài lần thử nuôi cá mập trắng vào các thập niên 1970, 1980 và 1990 nhưng tất cả nỗ lực đều thất bại. Những con cá mập chết hoặc buộc phải thả về tự nhiên chỉ sau hai tuần tới công viên.

Năm 2004, thủy cung vịnh Monterey trở thành nơi duy nhất trên thế giới có thể nuôi cá mập trắng lâu hơn 16 ngày.

Cập nhật: 28/05/2024 Theo VnExpress/hoahoctro.tienphong
  • 4.485