Hẳn với nhiều người, việc phải nghe tiếng trẻ em khóc quả là một cực hình. Sự khó chịu không chỉ vì trẻ khóc dai, khóc lâu mà quả thực tiếng khóc của chúng đúng là thứ "vũ khí lợi hại" khiến chúng ta đinh tai nhức óc.
Với những ông bố bà mẹ mới có em bé, chẳng có trải nghiệm nào đáng sợ hơn việc phải nghe tiếng khóc của con trẻ. So với các trải nghiệm khi phải ở trong môi trường có tiếng ồn cao ví dụ như quán bar hay ở phi trường, rõ ràng tiếng khóc của trẻ gây khó chịu hơn rất nhiều. Tại sao lại có tình trạng như vậy?
Câu trả lời đã được các nhà khoa học phát hiện ra. Đó là do cách bộ não của chúng ta phản ứng với âm thanh và bản chất thính giác của con người sau hàng triệu năm tiến hóa.
Katie Young thuộc Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu cách não bộ xử lý tiếng khóc của trẻ cho biết: "Âm thanh từ tiếng khóc của trẻ tạo ra sự chú ý khác biệt hơn nhiều so với những âm thanh khác".
Âm thanh từ tiếng khóc của trẻ tạo ra sự chú ý khác biệt hơn nhiều so với những âm thanh khác.
Theo The Guardian, Young đã thử quét não của 28 người trong lúc họ nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh, tiếng khóc của người lớn và cả tiếng rên rỉ của loài mèo hay chó.
Nhóm nghiên cứu sử dụng máy quét MEG (magnetoencephalography) để dò các trường từ trong não, Young phát hiện thấy não bộ gần như phản ứng ngay lập tức với tiếng trẻ con khóc. Ban đầu tín hiệu chỉ bình thường nhưng sau đó tín hiệu bắt đầu tăng đột ngột và dữ dội hơn sau khoảng 100 mili giây.
Phản ứng trên xảy ra ở hai vùng não. Một là "middle temporal gyrus" nằm trong thùy thái dương. Đây là khu vực xử lý cảm xúc và lời nói. Khu vực còn lại là vùng vỏ não trước trán (orbitofrontal cortex), nơi xử lý cảm xúc và ra quyết định.
Young cho biết, việc não bộ và vùng cảm xúc phản ứng trước tiếng khóc của trẻ vì não coi đó là một dấu hiệu quan trọng cần phải xử lý ngay tức khắc. Điều đáng nói là không ai trong nghiên cứu là bậc cha mẹ hoặc có kinh nghiệm chăm sóc em bé. Tuy nhiên não bộ và vùng cảm xúc của họ đều có cách phản ứng giống nhau với tiếng khóc của trẻ.
Giả sử một người đàn ông trưởng thành và trẻ sơ sinh cùng khóc với một cường độ âm thanh nhất định. Chúng ta có thể nhầm tưởng rằng, tiếng khóc ở cùng một mức âm lượng nên sự khó chịu gần như giống nhau. Nhưng thực tế mọi thứ hoàn toàn khác. Tông giọng của một người đàn ông chắc chắn sẽ bé hơn nhiều so với tông giọng của trẻ. Sự khác biệt nằm ở tần số hay cao độ của âm thanh phát ra.
Việc não bộ và vùng cảm xúc phản ứng trước tiếng khóc của trẻ vì não coi đó là một dấu hiệu quan trọng cần phải xử lý ngay tức khắc.
Mọi âm thanh chúng ta cảm nhận đều được xác định bằng tần số. Cụ thể giọng của một người đàn ông thường có tần số thấp hơn tiếng khóc của trẻ.
Để so sánh một cách trực quan giữa tần số âm thanh của giọng đàn ông và tiếng khóc của trẻ, các nhà nghiên cứu đã dùng máy phân tích phổ. Thiết bị này sẽ hiển thị cường độ tất cả tần số âm thanh nằm trong phạm vi nghe của con người: 20Hz đến 20.000Hz.
Bắt đầu với một người đàn ông phát ra âm thanh sẽ được máy phân tích phổ ghi lại như sau:
Đỉnh màu cam đại diện cho tần số của giọng nói. Đỉnh bên phải có tần số cao hơn các đỉnh bên trái. Hãy chú ý vào đỉnh của bản ghi âm thanh này (nơi mũi tên chỉ vào). Đó là tần số lớn nhất của bản ghi âm giọng nói, chính xác là 700Hz.
Tần số âm thanh giọng nói của đàn ông.
Bây giờ hãy thử thu tiếng khóc của trẻ. Kết quả cho thấy tần số lớn nhất lên tới 2700Hz. Đây chính là lý do khiến tiếng khóc của trẻ rất khó chịu vì nó ảnh hưởng lớn tới thính giác của chúng ta.
Tần số âm thanh từ tiếng khóc của trẻ.
Một nghiên cứu từ những năm 1930 của hai nhà khoa học Harvey Fletcher và Wilden Munson đã chỉ ra, tai con người nhạy cảm nhất với các tần số âm thanh trong khoảng 2.000Hz và 4.000Hz. Đây là phạm vi âm thanh gây ra sự khó chịu.
Các nhà khoa học cũng đi tìm hiểu xem tại sao tiếng khóc của trẻ lại ảnh hưởng đến tiềm thức hành vi của một người. Họ tiến hành kích hoạt một trong những khu vực quan trọng của não bộ đóng vai trò kiểm soát hành vi.
Christine Parsons, đồng nghiệp của Young chia sẻ, nhóm đã tiến hành kiểm tra xem liệu tiếng khóc của trẻ có kích hoạt cơ chế phản ứng sinh tồn ở các tình nguyện viên hay không. Theo đó, họ được chơi trò đập chuột chũi trước khi phải nghe những âm thanh như tiếng trẻ khóc, tiếng người lớn khóc và động vật rên rỉ.
Parsons tiết lộ: "Phản ứng của các tình nguyện viên nhanh và chính xác hơn sau khi nghe tiếng khóc của trẻ. Gần như họ có sự thay đổi về động lực và hành động ngay lập tức sau khi phải nghe tiếng khóc của trẻ".
Nhận thức về việc một đứa trẻ khóc dường như đã in sâu vào trong nhận thức của người lớn.
Cô khẳng định, việc phải chuyển đổi đột ngột giữa tiềm thức bình thường sang trạng thái "cảnh báo" có thể lý giải tại sao tiếng khóc của trẻ lại gây ra sự khó chịu đến vậy cho bất cứ ai, dù họ có phải là phụ huynh của trẻ hay không.
"Khi bạn nghe thấy tiếng em bé khóc, bạn ngay lập tức chuyển sang trạng thái cảnh giác hơn vì chắc chắn bạn không hề muốn nghe âm thanh đó. Nó thực sự là một thứ âm thanh khó chịu và rất khó lờ đi", Parsons nói thêm.
Ở quy mô tiến hóa, nhận thức về việc một đứa trẻ khóc dường như đã in sâu vào trong nhận thức của người lớn. Đó là dấu hiệu cho thấy đứa trẻ cần được bảo vệ hoặc giúp đỡ. Trải qua một quá trình tiến hóa, đôi tai của chúng ta dần thích nghi với tiếng khóc của trẻ nên có phản ứng rất kịp thời khi trẻ khóc.