Mạng xã hội đang đe dọa các loài động, thực vật quý hiếm như thế nào?

  •   54
  • 225

Dưới sự lan truyền của mạng xã hội, cuộc sống tự nhiên của rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang bị “làm phiền” bởi du khách, người tò mò lẫn… các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Các chuyên gia thậm chí còn cho rằng, các loài càng hiếm thì nguy cơ chúng đối mặt đang càng trở nên lớn hơn.

Từ chuyện của gà gô rừng Capercaillie

Gà gô Capercaillie vốn nổi tiếng toàn Scotland bởi kích thước khổng lồ, bộ lông nổi bật. Chúng sở hữu một chiếc đuôi màu đen luôn xòe rộng như cánh quạt và… đặc biệt thích nhảy múa rộn ràng trong mùa sinh sản. Loài vật vui nhộn này hiện chỉ còn khoảng 530 con trong tự nhiên, hầu hết “cư trú” tại Công viên quốc gia Cairgorms.

Cuộc sống riêng tư và bình yên ấy của Capecaillie bất ngờ bị… phá vỡ trong vài năm gần đây khi ngày càng có nhiều người biết đến vẻ đẹp của chúng. Bất chấp lệnh “cấm quấy rầy” gà gô rừng trong mùa sinh sản (kéo dài từ tháng 3 tới tháng 8 hằng năm), rất nhiều những người ngắm chim và nhiếp ảnh gia vẫn kéo về Cairgorms để… “xem trộm” chim trống biểu diễn; hoặc cố gắng ghi lại vài thước phim, bức ảnh về loài chim đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Mùa xuân năm 2022, 17 người đã bị phát hiện khi đang cố gắng tiếp cận “lek” – khu vực trình diễn trong "mùa yêu" của Capercaillie. Cùng năm đó, camera giám sát thậm chí ghi lại cảnh một người xem chim đang xua đuổi 6 con gà gô khỏi nơi chúng sinh sản. Người đàn ông này đã bị bắt nhưng nhanh chóng được thả sau đó, với… một lời cảnh cáo.

Thợ săn ảnh chụp gà gô Caingorms
Bà Carolyn Robertson, Giám đốc Dự án bảo tồn gà gô Cairngorms lo ngại, sự xuất hiện của con người đã làm tăng mức độ căng thẳng cho Capercaillie, khiến chúng không dám quay lại nơi sinh sản trong nhiều ngày tiếp theo.

“Mọi sự gián đoạn, dù nhỏ nhất cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong việc chim có sinh sản hay không”, bà Carolyne nói; đồng thời nhấn mạnh sự quấy nhiễu từ con người là thảm họa thực sự với loài chim vốn đã vô cùng thưa thớt.

Giám đốc chương trình bảo tồn loài gà gô Scotland nhận định: Việc ngăn cản những người đam mê tìm kiếm và ghi lại hình ảnh Capercaillie là một thách thức lớn. “Khi mọi người chụp ảnh và đăng lên mạng, các bài viết đều nhận được hàng nghìn lượt thích. Khi chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ thì họ không đồng tình vì đã có quá nhiều… lời khen ngợi”.

Mạng xã hội - ở khía cạnh này – đã và đang trở thành một mối đe dọa mới đối với các loài động vật quý hiếm trên toàn cầu.

... Đến những bi kịch của tự nhiên

Một bài báo mới được đăng tải trên tạp chí Science of The Total Environment cũng đã nêu bật những tác động tiêu cực của truyền thông mạng xã hội với đa dạng sinh học.

Theo đó, việc đăng tải hình ảnh các loài động, thực vật quý hiếm, thậm chí công khai vị trí chính xác lên không gian ảo đã tạo nên những “cơn sốt” trong thực tế. Hàng trăm người đã tìm đến các địa điểm chỉ định, thậm chí sử dụng những cách thức “phi đạo đức” như phát tiếng chim hót, dùng mồi nhử… để thu hút các loài chỉ để… quay chụp những thước phim cho riêng mình.

Robert Davis, tác giả bài báo phân tích: “Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, thông tin lại có thể được chia sẻ tới nhiều người nhanh chóng như hiện nay. Điều này tạo nên áp lực khủng khiếp tới tự nhiên”.

Những người đam mê tụ tập để chụp ảnh một loài chim có nguy cơ tuyệt chủng
Những người đam mê tụ tập để chụp ảnh một loài chim có nguy cơ tuyệt chủng ở vùng đất ngập nước ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: NurPhoto/Getty Images).

Các chuyên gia tin rằng, nhiều giống loài đã rơi vào bi kịch khi đối mặt với “làn sóng” nguy cơ mới này. Đó là trường hợp của quần thể chim họa mi đầu xanh vốn chỉ được tìm thấy ở một khu vực nhỏ thuộc tỉnh Giang Tây của Trung Quốc. Trước sự xuất hiện của rất nhiều… nhiếp ảnh gia, loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng này đã thay đổi thói quen làm tổ.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận với chim họa mi mũi mác tại Shetland (Scotland) hay gà gô rừng Capercaillie như đã nhắc tới ở phần trên. Tháng 8 năm nay, một nhiếp ảnh gia đã bị phạt tới hơn 1.600 bảng Anh vì… làm phiền một con diều hâu mật châu Âu đang làm tổ ở xứ Wales.

Thảm sát để giành lượt thích trên Tiktok là tiêu để của một bài báo gây chấn động dư luận đăng tải trên tờ The Guardian vào giữa tháng 7 vừa qua. Bài báo đưa ra thông tin về tình trạng săn bắt, giết hại hàng triệu con chim di cư mỗi năm tại Lebanon. Nhiều kẻ săn trộm đã đăng tải các đoạn clip về cảnh tàn sát chim lên Tiktok chỉ để… kiếm lượt thích.


Năm 2008, một loài chim sẻ đầu trắng, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và hiếm khi được nhìn thấy ở châu Âu, đã thu hút rất đông người xem chim đến một khu vườn ở Cley, Bắc Norfolk. (Ảnh: David Tipling/Universal Images Group/Getty Images).

Không chỉ động vật, các loài thực vật cũng bị đe dọa nghiêm trọng bởi mạng xã hội. Belinda, một nhà sinh vật học tại Scotland dẫn chứng: "Khi hình ảnh một loài lan quý hiếm nở hoa được đăng tải ngay lập tức kéo theo nguy cơ chúng bị hư hại, thậm chí… biến mất trong tự nhiên".

Điển hình như loài lan mang tên nữ hoàng Sheba phải mất tới 10 năm mới nở hoa. Để bảo vệ khỏi những người "săn đuổi", nhà chức trách đã phải lắp đặt hàng rào, trang bị camera và bố trí lực lượng bảo vệ.

“Cái gì càng hiếm, càng có nhiều người muốn tận mắt ngắm nhìn. Bởi vậy, chỉ một hành động nhỏ, một mình bạn cũng có thể đẩy các loài quý hiếm tới gần hơn bờ vực tuyệt chủng”, Belinda cay đắng nói.

Sử dụng mạng xã hội đúng cách để bảo tồn

James Lowen, một nhà văn chuyên viết về lịch sử tự nhiên tại Norfolk (Mỹ) cho rằng: "Cần phải có cách thức ứng xử thận trọng và hợp lý khi đưa hình ảnh các loài động thực vật quý hiếm lên không gian mạng".

Những khám phá gần đây về loài bướm Norfolk được cho là đã tuyệt chủng và loài lan “Chén thánh” tại Anh đã tạo nên sự phấn khích lớn trong dư luận. Thế nhưng, vị trí chính xác của chúng đều được giấu kín.

Bản thân Lowen cũng xóa bỏ phần riêng về gà gô rừng Capercaillie khỏi ấn bản mới nhất của cuốn sách 52 tuần trong hoang dã của mình để giảm thiểu sự tác động của con người tới loài gà rừng tuyệt đẹp này.

Biển báo cảnh báo du khách tránh xa khu vực làm tổ của chum ở Thornham, Norfolk, Anh
Một biển báo cảnh báo du khách tránh xa khu vực làm tổ của chum ở Thornham, Norfolk, Anh. (Ảnh: David Tipling/Universal Images Group/Getty Images).

Trong khi đó, Dự án bảo tồn gà gô Cairngorms thậm chí đã tìm cách khai thác chính sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội để… cứu loài này. Năm 2023, Dự án đã phát động chiến dịch “Lek It Be”, kêu gọi mọi người dừng đi tìm kiếm Capercaillie hoặc ít nhất, hạn chế đăng ảnh lên các nền tảng mạng xã hội. Cũng trong khoảng thời gian này, Dự án chí còn đăng tải video ghi lại cảnh 2 người đàn ông đang tìm cách tiếp cận gà gô rừng Scotland tại khu vực cấm.

“Mục đích của chúng tôi không phải khiến họ xấu hổ, mà hướng tới mục tiêu phát triển một chuẩn mực xã hội”, Giám đốc dự án thông tin.

Biện pháp này bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực khi số người ngắm chim/nhiếp ảnh gia đã giảm tới 55% trong mùa sinh sản 2024.

Cập nhật: 10/10/2024 Nhân Dân
  • 54
  • 225