Máy gia tốc LHC lập kỷ lục mới

  •  
  • 2.232

Tuần qua, cuộc thử nghiệm Big Bang tại CERN (Cơ quan Nghiên cứu nguyên tử châu Âu) đã lập kỷ lục mới khi thực hiện phóng các chùm hạt proton với mức năng lượng cao hơn.

Những va chạm trong máy gia tốc LHC là một phần của thí nghiệm nhằm tái tạo những điều kiện ngay sau khi vụ nổ Big Bang xảy ra tại thời điểm bắt đầu của vũ trụ nhằm hiểu thêm về trạng thái tự nhiên của vật chất. 

Các nhà khoa học quan sát hoạt động của máy gia tốc hạt lớn qua màn hình máy tính tại trung tâm kiểm soát CERN ở Geneva (Thụy Sĩ) - Ảnh: Reuters


“Đây có thể coi là giai đoạn hoạt động đầu tiên nhằm mục đích thử nghiệm toàn bộ hệ thống của LHC, cung cấp dữ liệu xác định cho các thí nghiệm và chỉ ra những điều cần phải hoàn thiện để chuẩn bị cho cỗ máy chuyển sang giai đoạn hoạt động liên tục ở mức năng lượng cao hơn”, Tổng giám đốc của CERN, Rolf Heuer cho biết.

Các nhà khoa học tại Cơ quan Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) đã cho các hạt va chạm nhau ở năng lượng 2,36 tera-electron vôn (TeV), một kỷ lục mới được thực hiện bởi cỗ máy gia tốc mạnh nhất hiện nay kể từ khi nó được khởi động lại vào tháng 11 vừa qua.

1 TeV chỉ tương đương với mức năng lượng mà một con muỗi tạo ra khi thực hiện động tác bay, nhưng khi mức năng lượng này tập trung trong một hạt cơ bản "siêu bé" riêng lẻ, nó trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.

CERN đã thiết lập một kỷ lục trước đó vào ngày 30/11, sau khi hạt proton đầu tiên bắn ra vào 23/11, qua hệ thống đường hầm dài 27 km nằm sâu dưới biên giới Pháp – Thụy Sĩ của máy gia tốc.

Kỷ lục mới đạt được đã phá vỡ kỷ lục va chạm ở 1,96 TeV trước đó và cả kỷ lục va chạm ở mức dưới 1 TeV cho hạt đơn lẻ thực hiện ở máy gia tốc của Phòng thí nghiệm quốc gia Fermi (Mỹ).

Khi cỗ máy gia tốc hạt của CERN, cỗ máy lớn nhất thế giới, hoạt động ở mức năng lượng cao nhất nó sẽ cho ra chùm hạt proton 7 TeV và tạo ra những va chạm với các hạt ngược chiều ở mức 14 TeV.

Cỗ máy gia tốc hiện tại đang trong trạng thái tạm dừng hoạt động. Nó sẽ được khởi động lại vào tháng 2/2010 để chuẩn bị cho trạng thái hoạt động ở mức năng lượng cao hơn và bắt đầu đi vào chương trình nghiên cứu chính.

Cỗ máy Big Bang của CERN được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào tháng 9/2008, nhưng 10 ngày sau đó, nó đã phải tạm dừng hoạt động do xảy ra sự cố hư hỏng về ổ nối điện.

Theo VietNamNet (Reuters)
  • 2.232