Mỗi giây 14.000 tấn nước đổ ra biển vì băng Bắc Cực tan

  •  
  • 508

Tốc độ tan băng nhanh ở Bắc Cực khiến mực nước biển ngày càng dâng cao hơn, đe dọa hàng triệu người trên thế giới.

Nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Environmental Research Letters cho thấy tình trạng tan băng tại Bắc Cựckhiến cứ mỗi giây lại có tới 14.000 tấn nước tại đây đổ ra các đại dương.

Nghiên cứu trên là công trình tâm huyết của các nhà khoa học Chile, Canada, Mỹ, Hà Lan và Na Uy trong suốt 47 năm qua.

Nghiên cứu được thực hiện bằng cách kết hợp các phương pháp đo lường cũ từ năm 1971 với phương pháp đo lường dựa trên lực hút của Trái đất đối với khối lượng hao hụt tại Bắc Cực thông qua các vệ tinh GRACE của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).

Kết quả cho thấy các sông băng tại Bắc Cực là tác nhân lớn nhất trên thế giới khiến mực nước biển dâng cao.

Hiện tượng băng tan ở tốc độ ngày càng gia tăng đã khiến mực nước đại dương dâng lên hơn 1mm mỗi năm. Kể từ năm 1971 đến nay, con số này đã lên tới 2,3cm.

Các sông băng tại Bắc Cực tan nhanh là tác nhân lớn nhất trên thế giới khiến mực nước biển dâng cao
Các sông băng tại Bắc Cực tan nhanh là tác nhân lớn nhất trên thế giới khiến mực nước biển dâng cao - (Ảnh: AP).

Trong giai đoạn 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỉ tấn/năm, tương đương cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển.

Trong giai đoạn 1986-2005, lượng băng tan ước tính khoảng 5.000 tấn/giây. Điều này đồng nghĩa tốc độ tan băng ở Bắc Cực giai đoạn 2005-2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với giai đoạn 1986-2005.

Tính đến hiện tại, tình trạng ấm lên nhanh tại Bắc Cực cũng đang vượt xa so với Nam Cực. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là tốc độ tan băng ở cả hai khu vực này dường như ngày càng diễn biến nhanh một cách đồng thời, khiến mực nước biển sẽ ngày càng dâng cao hơn trong những thập kỷ sắp tới.

Cụ thể một nghiên cứu riêng rẽ gần đây chỉ ra rằng tỉ lệ tan băng tại Nam Cực cũng tăng cao gấp 3 lần chỉ trong một thập kỷ. Đặc biệt, có tới 219 tỉ tấn băng tan mỗi năm chỉ trong giai đoạn 2012-2017.

Nếu tính tổng cộng ở cả hai cực, mỗi năm có khoảng 666 tỉ tấn băng tan thành nước đổ ra các đại dương.

Giáo sư Jason Box thuộc Viện Nghiên cứu địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) nhấn mạnh không phải tới cuối thế kỷ này nhân loại mới có thể nhận thấy các vấn đề liên quan tới hiện tượng mực nước biển dâng. Các vấn đề đó đã lộ diện ngay ở thời điểm hiện tại.

Tốc độ tan băng ở Bắc Cực diễn ra nhanh gấp 3 lần kể từ năm 1986. Lượng băng nổi tại đây cũng đang sụt giảm nhanh chóng, tiệm cận với tỉ lệ băng tan trên đất liền.

Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Phần Lan còn chỉ ra rằng biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên đang làm tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan chảy, đe dọa 70% cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Kết quả là đến năm 2050, khoảng 3,6 triệu người có thể bị ảnh hưởng do cơ sở hạ tầng bị hư hại.

Không chỉ vậy, gần 1/2 số mỏ dầu khí quan trọng tại Bắc Cực cũng có "nguy cơ bị ảnh hưởng cao". Thậm chí, ngay cả khi các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể giữ các cam kết đã đưa ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, rủi ro đối với cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực đến năm 2050 vẫn ở mức như vậy.

Tuy nhiên, việc giữ nhiệt độ Trái đất dưới 2 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp dường như có thể làm giảm các nguy cơ cơ sở hạ tầng có thể bị tàn phá sau năm 2050.

Tầng đất đóng băng vĩnh cửu là đất bị đóng băng dù không vĩnh cửu như tên gọi của nó, được tìm thấy chủ yếu ở Bắc Bán cầu. Tầng đất này bao phủ một vành đai rộng giữa Vòng Bắc cực và các khu rừng phương Bắc, gồm Alaska (Mỹ), Canada, Bắc Âu và Nga. Tầng đất này ít gặp hơn ở Nam Bán cầu.

Cập nhật: 25/12/2018 Theo Tuổi Trẻ/TTXVN
  • 508