Mùa rươi, ăn rươi cần phải nhớ

  •   4,48
  • 9.798

Rươi là một đặc sản theo mùa chỉ có ở miền Bắc. Những năm gần đây rươi vừa vớt xong thường được cấp đông chuyển đi các tỉnh thành khác trong cả nước để bán với giá rất đắt đỏ.

Rươi thuộc bộ giun đốt, nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ, mỗi năm chỉ xuất hiện ngắn ngủi có vài ngày, thời gian được dân gian đúc kết chính xác là "tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm". Có nghĩa là rươi chỉ nổi nhiều, tập trung nhất vào ngày 20 tháng chín và mùng 5 tháng mười âm lịch mỗi năm.

Rươi thuộc họ giun đốt, thân có nhiều lông, là thực phẩm rất bổ dưỡng.
Rươi thuộc họ giun đốt, thân có nhiều lông, là thực phẩm rất bổ dưỡng.

Rươi bổ đến đâu?

Từ rươi, người ta chế biến ra được khá nhiều món ăn như chả rươi, mắm rươi, rươi nấu riêu, rươi xào củ niễng, kho, hấp... Món nào cũng thơm, ngon miệng và giàu dinh dưỡng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100g rươi có 81,9g nước, 12,4g protid, 4,4g lipid, cung cấp cho cơ thể được 92 calo, không hề thua kém giá trị dinh dưỡng khi đem so với thịt bê non (trong 100g thịt bê nạc có 78,2g nước, 20g protid, 0,5g lipid, cung cấp được 87calo). Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như canxi, photpho, sắt, kẽm...

Tại sao ăn rươi kèm theo vỏ quýt?

Theo Đông y, vỏ quýt (hay còn gọi là trần bì) có rất nhiều tác dụng, trong đó có tác dụng phòng và chữa những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Vỏ quýt tươi có 3,8% tinh dầu, 9% hectozan, ngoài ra còn có các chất khác như carotene, vitamin B1, B2. Tinh dầu vỏ quýt có vị the và mùi thơm rất dễ chịu.

Chả rươi với vỏ quýt, món ăn được chờ đợi nhất mỗi mùa rươi nổi.
Chả rươi với vỏ quýt, món ăn được chờ đợi nhất mỗi mùa rươi nổi.

Rươi là loài sống ở đấy nước cùng bùn cát, do đó không tránh khỏi việc chúng bị nhiễm những chất độc từ chính môi trường mà chúng sinh sống, nhất là ở khu vực nước bị ô nhiễm nhiều. Đặc biệt, khi chết, rươi rất dễ bị phân hủy, sinh ra nhiều độc tố. Do đó ăn phải rươi chết sẽ bị ngộ độc, sình bụng, khó tiêu, tiêu chảy cấp, nặng nề hơn là nguy hiểm tới tính mạng.

Có thể dân gian cũng đã nhận biết được vấn đề này, bởi vậy nên khi chế biến các món ăn từ rươi, từ chả cho đến mắm rươi, thường nêm thêm vỏ quýt.

Tại sao ăn rươi hay bị ngộ độc, dị ứng?

Rươi giàu dinh dưỡng, rất nhiều đạm, nhiều người ăn rươi bị ngộ độc là do chất đạm có trong rươi ngấm vào ruột, vào máu, gây phản ứng cho cơ thể bởi đạm trong rươi khác với đạm trong các thực phẩm như thịt bò, heo...

Không chỉ rươi, mà các loài nhuyễn thể nói chung sống ở môi trường đáy nước, bùn cát, thường có nhược điểm là dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống. Nhuyễn thể cũng là vật trung gian truyền nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy, đường ruột nếu chế biến không cẩn thận, đúng cách. Ngoài ra, khi sơ chế, cần phải loại bỏ những con rươi đã chết vì rươi chết dễ sinh độc tố, gây tiêu chảy cấp, đau đầu, choáng váng.

Rươi thân mập, màu hồng, giẫy khỏe là rươi mới vớt.
Rươi thân mập, màu hồng, giẫy khỏe là rươi mới vớt.

Việc cấp đông rươi để vận chuyển đi nhiều nơi cũng cần phải đảm bảo vệ sinh. Rươi được cấp đông phải là rươi còn sống. Trước khi chế biến, cần chuyển từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông dần, không dùng lò vi sóng hay nước lạnh hoặc nhiệt độ phòng để rã đông rươi.

Ngoài ra, việc bảo quản rươi quá lâu trong ngăn đá cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chuyên gia khuyên, nên đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu như khó thở, mắt mặt sưng híp lên, nôn… sau khi ăn rươi. Tránh tự sơ cứu tại nhà đề phòng sốc phản vệ, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nếu từng có tiền sử ngộ độc thức ăn, dị ứng sau khi ăn rươi, tốt nhất không ăn món này vào những lần sau.

Ai không được ăn rươi?

Đạm trong rươi rất dễ gây dị ứng, bởi vậy những người có cơ địa dị ứng hoặc đã từng dị ứng khi ăn hải sản không nên ăn rươi.

Cạnh đó, những người đã từng một lần bị ngộ độc rươi, không bao giờ nên ăn tiếp món này lần hai. Vì ngộ độc lần sau bao giờ cũng nặng và nguy hiểm hơn lần trước, rất nguy hiểm.

Cũng vì rươi giàu đạm, nên bà bầu không nên đụng tới món này vì có thể gây khó tiêu, sình bụng, không có lợi cho tiêu hóa. Ảnh hưởng không tốt đến em bé.

Với trẻ em, hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa hoàn chỉnh, cũng tránh cho bé ăn một lúc nhiều rươi. Nếu muốn, chỉ nên cho bé ăn chút một để thử phản ứng của cơ thể bé với món ăn vừa ngon vừa nguy hiểm này. Nếu có dấu hiệu bất thường cần dừng ngay lại, nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ ngay.

Rươi chết (những con màu xanh nhợt hay thâm đen) thường gây ngộ độc vì rươi sau khi chết phân hủy rất nhanh.
Rươi chết (những con màu xanh nhợt hay thâm đen) thường gây ngộ độc vì rươi sau khi chết phân hủy rất nhanh. (Hình minh họa).

Ăn rươi cần đảm bảo nhất khâu vệ sinh

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), rươi cũng như các loài nhuyễn thể nói chung ở môi trường đáy nước, bùn cát thường dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống. Chúng là những vật trung gian có thể gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy, đường ruột nếu chế biến không cẩn thận, đúng cách. Do đó, khâu chế biến sạch sẽ, đúng cách được nhấn mạnh hàng đầu khi ăn rươi an toàn.

Rươi cũng như các loài nhuyễn thể nói chung ở môi trường đáy nước, bùn cát thường dễ nhiễm chất độc từ môi trường sống.

Ngoài ra, khi sơ chế, bạn cũng cần chú ý loại bỏ những con rươi đã chết vì chúng dễ sinh độc tố, gây tiêu chảy cấp, đau đầu, choáng váng cho người ăn phải.

Để di chuyển rươi đến những khu vực thành phố, nhiều thương gia sẽ phải chọn hình thức cấp đông. Khâu này cần đảm bảo vệ sinh. Rươi được cấp đông phải đảm bảo tươi sống. Do đó, khi mua rươi về ăn cần chú ý mua tại những cửa hàng uy tín, tránh mua phải rươi chết, rươi nhiễm độc.

Thế nào là rươi ngon?

Rươi còn tươi ngon là những con lớn, thân mập mạp, màu đỏ, còn ngọ nguậy. Kinh nghiệm mua rươi tươi, mới là chỉ lấy những con còn khỏe ở phía trên, vì đa số rươi phía dưới thường bị đè vỡ bụng, có mùi tanh.

Rươi sắp chết là những con nhỏ, gầy, có màu xanh, bò yếu hoặc lâu lâu mới ngọ nguậy.

Chú ý, khi rửa rươi chỉ cần thả rươi vào chậu nước, dùng tay đẩy nhẹ để rươi khỏi bị vỡ bụng. Rửa chừng ba lần cho sạch bớt bùn, rác.

Rươi sạch vớt ra để ráo nước, chuẩn bị "làm lông" để khi ăn không bị ngứa rát cổ. Dùng nước nóng chừng 40 độ C, thả rươi vào, dùng đũa khuấy nhẹ. Khi thấy bùn, chân và lông rươi rụng, nổi lên thì vớt rươi ra và chế biến món ăn.

Cập nhật: 09/12/2020 Theo PLO/Pháp luật và bạn đọc
  • 4,48
  • 9.798