Nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra lộ trình khai tử xe động cơ đốt trong để chuyển hoàn toàn sang sản xuất và lưu thông xe năng lượng sạch, trong đó có xe điện. Chính sách này nằm trong khuôn khổ thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, trong quá trình "chuyển đổi xanh", các nhóm lợi ích vẫn nổi lên để làm trì hoãn lộ trình này.
Mới đây, trang Car From Japan đã đưa bài viết tổng hợp liên quan đến mặt trái của ô tô động cơ đốt trong. Về nguyên lý kỹ thuật, động cơ ô tô tạo ra năng lượng truyền động bằng việc đốt cháy nhiên liệu như xăng, dầu và biến nhiệt năng thành cơ năng. Quá trình này thải ra một số loại khí độc hại như nitơ-oxit (NOx), carbon monoxide (CO), lưu huỳnh dioxide (SO2), benzen (C6H6), formaldehyde (CH2O) và muội than. Tất cả các loại khí này đều gây ô nhiễm môi trường, góp phần gây hiệu ứng nhà kính, thiệt hại cho tầng ozone và hủy hoại môi trường sống. Đặc biệt, chúng gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người.
Trang The Drive dẫn kết quả thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Hedges & Company, năm 2023 ước tính có khoảng 1,47 tỷ xe ô tô đang lưu thông trên toàn thế giới. Con số này bao gồm cả xe điện, xe hybrid nhưng tỷ lệ rất nhỏ.
Hãy cùng nhìn lại sự thật, những cỗ máy động cơ đốt trong chiếm phần lớn trên thế giới thực sự đang gây ô nhiễm không khí như thế nào?
Số lượng ô tô khổng lồ kéo theo một lượng khí thải độc hại lớn đưa vào môi trường. (Ảnh: Faz).
Một trong những con số gây sốc nhất là các phương tiện cơ giới chạy nhiên liệu hóa thạch đang tạo ra khoảng 51% lượng khí carbon monoxide (CO). Khí này góp phần gây ra khói bụi, làm suy giảm chất lượng không khí và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ ngộ độc khí.
Cùng với khí CO, khí carbon dioxide (CO2) cũng là một hợp chất độc hại gây ô nhiễm không khí. Có 31% lượng khí CO2 trong bầu khí quyển được phát ra từ ô tô động cơ đốt trong. Quá nhiều khí này trong môi trường sẽ có hại cho sức khỏe con người và gây bất lợi cho tầng ozone. Khí CO2 cũng là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trái đất đang ngày càng nóng lên.
Thống kê cho thấy các phương tiện cơ giới chạy bằng xăng, dầu cũng thải ra gần 34% tổng lượng nitơ-oxit (NOx) và tất cả các chất dễ bay hơi vào môi trường. Những yếu tố này không chỉ nguy hiểm đến sức khỏe con người mà còn cả đời sống động thực vật.
Một cậu bé đeo khẩu trang để giảm tác hại ô nhiễm không khí do ô tô gây ra ở Bắc Kinh. (Ảnh: ShutterStock).
Ngoài các khí độc hại kể trên, hệ thống ống xả của ô tô còn thải ra nhiều thành phần khí độc hại khác như nitơ dioxide (NO2), lưu huỳnh dioxide (SO2). Các khí này bay lên cao, phản ứng với nước và oxy, kết hợp với nhiều hóa chất độc hại khác sẽ tạo thành mưa axit.
Mưa axit gây ra cái chết cho động thực vật, làm nhiễm độc nguồn nước tự nhiên như sông, hồ và gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường.
Formaldehyde và benzen được các nhà sản xuất sử dụng chủ yếu ở bộ phận nhựa của bảng điều khiển ô tô, thảm xe, ghế ngồi và các chất dính sử dụng trong tấm ốp trang trí trên ô tô. Cả hai đều là chất gây ung thư, trong đó benzen có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe sinh sản và phát triển.
Nếu ngồi trong ô tô để di chuyển trên đường mỗi ngày từ 20 phút trở lên, người ngồi có thể chảy nước mắt không rõ lý do thì đó là dấu hiệu của tình trạng hai loại khí này đang tồn tại nhiều trong xe. Hệ hô hấp cũng rất nhạy cảm với chất độc này, con người hít phải có thể bị khô họng, viêm phế quản, dị ứng da, ban xuất huyết, thậm chí là nhiễm trùng phổi, viêm gan nếu nồng độ formaldehyde cao.
Lượng khí thải từ ô tô là một trong những nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu toàn cầu. (Ảnh: LanaElcova)
Có thể nói, với hơn 1,47 tỷ xe ô tô đang lưu hành trên thế giới, khí độc và các thành phần khác do các phương tiện xe cơ giới chạy xăng dầu thải ra đang đẩy nhanh tốc độ nóng lên của trái đất. Tất cả mọi người đều đã và đang trải qua những ảnh hưởng tiêu cực do quá trình biến đổi khí hậu khắc nghiệt.
Ngày nay, vấn đề ô nhiễm không khí do ô tô động cơ đốt trong gây ra đang được các chính phủ giải quyết thông qua các chiến lược về chuyển đổi xanh, điện khí hóa giao thông như việc chuyển hoàn toàn sang xe điện (EV) và ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch khác. Xe điện chắc chắn không tạo ra khí thải độc hại như xe động cơ đốt trong nhưng cũng đang gặp thách thức khi nguồn điện được tạo ra bởi nguồn nhiệt điện than. Dù vậy, những chiếc xe không khói vẫn đang là giải pháp chính và là lựa chọn tối ưu nhất hiện nay để cộng đồng chung tay bảo vệ một môi trường sống xanh và sạch.