Mùi cơ thể tiết lộ nhiều bệnh, kể cả suy gan và tiểu đường

  •  
  • 721

Mùi cơ thể hình thành từ hàng trăm chất hóa học bên trong chúng ta, ở nhiệt độ phòng chúng biến đổi thành khí và thoát ra ngoài mỗi giây.

Theo trang IFL Science, trước khi xét nghiệm máu ra đời, các bác sĩ thời Hy Lạp cổ đại thường sử dụng khứu giác để chẩn đoán bệnh tật: họ ngửi mùi hơi thở từ bệnh nhân.

Chẳng hạn, mùi hơi thở giống mùi trái cây chứng tỏ lượng đường nằm trong hệ tiêu hóa của bệnh nhân chưa phân hủy. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng cao họ mắc bệnh tiểu đường.

Mùi cơ thể giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý nguy hiểm
Mùi cơ thể giúp bác sĩ chẩn đoán một số bệnh lý nguy hiểm - (Ảnh: HUMNUTRITION).

Nhiều công trình nghiên cứu hiện đại cũng chứng minh phương pháp nói trên đúng. Mùi cơ thể tiết lộ nhiều điều về sức khỏe, bởi những căn bệnh nguy hiểm như suy gan, tiểu đường cùng một số bệnh truyền nhiễm sẽ khiến cơ thể có mùi khác lạ.

Nhà hóa học Linus Pauling, người từng đoạt 2 giải Nobel, đã phát hiện hơn 250 loại khí hóa học khác nhau trong hơi thở con người vào năm 1971. Chúng được gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

Sau khám phá của ông Pauling, nhiều nhà khoa học tiếp tục tìm thấy hàng trăm VOC khác. Hầu hết chúng đều sở hữu mùi hương đặc trưng, cung cấp manh mối nhất định về tình trạng cơ thể.

Điển hình là trường hợp của y tá Joy Milner. Bà Milner khẳng định mùi hơi thở của chồng bà đã thay đổi rõ rệt trước khi ông được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Parkinson vào năm 2005.

Hơi thở không phải là nguồn VOC duy nhất trong cơ thể. Da, nước tiểu và phân cũng chứa hợp chất này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng VOC trên da có thể giúp con người giải mã cách hệ vi sinh và cơ thể con người phối hợp với nhau để chống lại bệnh tật, duy trì sức khỏe.

Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng mức độ axit của VOC trên da có thể giúp phân biệt nam giới và nữ giới, hoặc dự đoán tuổi của một người với độ chính xác cao.

Ngoài tạo ra mùi hương cá nhân, VOC còn là kênh liên lạc giữa thực vật và động vật. Chẳng hạn như hoa sẽ tiết ra mùi hương đặc trưng để dẫn dụ các loài thụ phấn, VOC này gọi là pheromone.

Pheromone cũng hoạt động như một chất kích thích tình dục trong thế giới tự nhiên. Ví dụ như loài chuột mang trên mình vi khuẩn có khả năng tạo ra hợp chất trimethylamine, giúp chúng xác định và mời gọi bạn tình tiềm năng.

Rất có thể con người cũng tạo ra VOC với mục đích tương tự, dù hiện tại các nhà khoa học chưa thể kết luận chính xác.

Thế nhưng VOC hơi thở và trên da có thể tiết lộ nhiều điều về cơ thể con người, gồm tốc độ lão hóa, tình trạng dinh dưỡng, thể lực, khả năng sinh sản và thậm chí là mức độ căng thẳng.

Cập nhật: 29/02/2024 Tuổi Trẻ
  • 721