Vì sao cơ thể vẫn nặng mùi dù vừa tắm?

  •  
  • 504

Hormone, thức ăn, lỗ chân lông bít tắc, đổ nhiều mồ hôi hoặc một số bệnh khiến cơ thể nhiều người "bốc mùi" khó chịu ngay cả khi đã tắm.

Thông thường, mùi cơ thể bắt nguồn từ vấn đề vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, đối với một số người, mùi cơ thể tồn tại tự nhiên, không biến mất sau những lần tắm gội. Điều này thường khó xử lý, khiến họ cảm thấy thiếu tự tin dù có lối sống tương đối sạch sẽ. Các chuyên gia đã chỉ ra một số lý do khiến nhiều người "bốc mùi" ngay cả khi mới tắm xong.

Hormone

Theo tiến sĩ Pramod Kumar, chuyên gia tư vấn da liễu Bệnh viện KMC, Mỹ, tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều và mùi cơ thể là do sự thay đổi nội tiết tố. Điều này thường dễ nhận thấy hơn ở giai đoạn dậy thì, mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh do hoạt động của hormone và tuyến mồ hôi tăng lên. Trong giai đoạn này, phụ nữ thường trải qua cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, làm tăng tiết mồ hôi khiến cơ thể có mùi.

Ăn những món nặng mùi

Tắm rửa thường xuyên, tẩy tế bào chết hoặc gội đầu không đủ để loại bỏ mùi cơ thể nếu mùi hương đến từ các thực phẩm bạn đã ăn trước đó. Theo Mark Lewis, chuyên gia sức khỏe có trụ sở tại California, một số loại thức ăn như tỏi, hành, đồ cay dễ khiến mùi cơ thể tồn tại ngay cả sau khi tắm.

Tắm nước nóng cũng có thể khiến một số mùi nhất định khuếch tán nhiều hơn, Justin Neubrander, bác sĩ tại Trung tâm Lối sống Fredheim, cho biết. "Ăn một lượng tỏi lớn có thể khiến mùi hương đi qua lỗ chân lông trên da. Vì vậy, tắm nước nóng làm các hợp chất này bài tiết", ông giải thích.

Bên cạnh tỏi và hành, các loại thực phẩm khác như bông cải xanh, bắp cải và súp lơ trắng cũng tạo ra khí, ảnh hưởng đến mùi cơ thể. Một số người gặp tình trạng hiếm gọi là trimethylaminuria, khiến họ tiết ra mùi tanh như cá sau khi ăn hải sản. Thực phẩm chế biến sẵn, rượu và một số loại ngũ cốc cũng có thể gây mùi cơ thể.

Không làm sạch lỗ chân lông

Theo bác sĩ Neubrander, lỗ chân lông bít tắc có thể là nguyên nhân chính gây ra mùi cơ thể. Việc tẩy tế bào chết bề mặt da bằng xà phòng có thể loại bỏ các hợp chất và vi sinh vật trên bề mặt da, nhưng các lỗ chân lông không dễ dàng làm sạch đến vậy.

Bác sĩ Neubrander khuyến khích sử dụng nước ấm để mở lỗ chân lông, dùng khăn lau tăng độ ma sát, làm sạch các mảnh vụn trên da và tế bào da chết.

 Không làm sạch sâu lỗ chân lông cũng có thể khiến cơ thể bốc mùi khó chịu.
Không làm sạch sâu lỗ chân lông cũng có thể khiến cơ thể bốc mùi khó chịu. (Ảnh: Freepik).

Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường

Đổ mồ hôi từ những hoạt động thường ngày như chạy bộ, đi tàu điện, xe bus có thể tạo ra mùi cơ thể, dù bạn đã tắm sạch sẽ đến đâu. Theo các chuyên gia, bản thân mồ hôi không có mùi. Tuy nhiên khi tiếp xúc với không khí, vi khuẩn tự nhiên trên da sẽ phân hủy mồ hôi thành thioalcohol. Mùi cơ thể là do vi khuẩn tương tác với mồ hôi. Những vùng ấm, ẩm ướt và tối của cơ thể có nhiều khả năng bắt mùi nhất, bởi đó là nơi lý tưởng để vi khuẩn trú ngụ.

Mắc một số bệnh lý

Ở một số người, mùi cơ thể không liên quan đến vệ sinh cá nhân. Họ mắc một số bệnh lý khiến cơ thể phát ra mùi tự nhiên, chẳng hạn viêm amiđan, nướu và xoang sẽ khiến hơi thở có mùi khó chịu hơn.

Bệnh tiểu đường hoặc nhiễm trùng cũng khiến hơi thở và cơ thể nặng mùi hơn. Các loại nhiễm trùng thường tạo ra mùi hôi ở những nơi khác lạ, chẳng hạn rốn.

Theo Michael Kummer, chuyên gia sức khỏe, cựu vận động viên chuyên nghiệp, các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể là bệnh gút, tuyến giáp hoạt động quá mức, bệnh gan, thận.

Thói quen hút thuốc lá

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), thói quen hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi, tiểu đường, khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Bên cạnh đó, hút thuốc khiến cho hơi thở và cơ thể có mùi khó chịu, dù bạn cố gắng tẩy sạch mùi hương đến đâu.

Việc sử dụng nicotin cũng khiến mọi người đổ mồ hôi nhiều hơn, mồ hôi tiết ra có mùi nặng hơn.

Cập nhật: 28/06/2023 VnExpress
  • 504