Mỹ xây dựng cây cầu lớn nhất thế giới dành cho động vật

  •  
  • 504

Cây cầu dài 64m bắc qua đường cao tốc 8 làn ở quận Los Angeles sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Dự án tham vọng ở California hướng tới giải quyết vấn đề xung đột giữa động vật và con người khi mỗi năm có hơn một triệu vụ va chạm giữa thú hoang và xe cộ trên khắp nước Mỹ, dẫn tới 200 ca tử vong và 26.000 thương tích cho tài xế và hành khách. Nhà chức trách đang xây dựng cầu vượt lớn nhất thế giới dành cho động vật hoang dã bắc ngang qua Cao tốc 101 ở quận Los Angeles, Smithsonian hôm 24/4 đưa tin.

 Mô phỏng cầu vượt dành cho động vật nhìn từ trên cao.
Mô phỏng cầu vượt dành cho động vật nhìn từ trên cao. (Ảnh: Rock Design Associates).

Khi dự án hoàn thành vào năm 2025, cây cầu nhân tạo này sẽ cung cấp lối đi an toàn cho sư tử núi, linh miêu, hươu, thằn lằn, sói đồng cỏ, rắn và kiến di chuyển giữa dãy Santa Monica và đồi Simi thuộc dãy Santa Susana. Mang tên Wallis Annenberg Wildlife Crossing, dự án có chi phí 92 triệu USD, đến từ sự hợp tác giữa nhiều đơn vị bao gồm Caltrans, Cục Công viên Quốc gia và Liên đoàn Động vật hoang dã Quốc gia.

Công trình động thổ vào đúng ngày Trái đất cách đây hai năm. Tuần trước, dự án cán cột mốc quan trọng khi đoạn cầu đầu tiên được đặt vào vị trí phía trên đường cao tốc. Trong những tháng tới, đội thi công sẽ lắp đặt nhiều dầm bê tông hơn nữa, mỗi dầm nặng 126 - 140 tấn. Cây cầu vượt dài 64 m sẽ bắc qua phía trên 8 làn xe cộ. Cuối cùng, công trình sẽ phủ đầy thực vật, bao gồm hơn một triệu loại cây bản xứ, để thu hút động vật hoang dã. Đội thi công cũng sẽ trồng cây cối trên gần 5 hecta ở hai bên cầu vượt để tạo cảm giác giống đi qua ngọn đồi hơn là một cây cầu.

Dù cây cầu sẽ đem lại nhiều lợi ích cho động vật, các chuyên gia đặc biệt hy vọng dự án sẽ cải thiện đời sống của sư tử núi. Trong tự nhiên, chúng thường lang thang ở những lãnh thổ trải rộng gần 260km2. Nhưng do có nhiều đường cao tốc ở Los Angeles, chúng gặp khó khăn trong việc đi lại tự do. Kết quả là sư tử núi ở một số vùng đang giao phối cận huyết, khiến chúng dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn. Loài mèo lớn này có thể biến mất khỏi khu vực nếu sự đa dạng di truyền không cải thiện.

Trong vài năm gần đây, câu chuyện về một con sư tử núi nổi tiếng tên P-22 đặc biệt thu hút sự chú ý. Ra đời vào năm 2010, P-22 phải đi qua ít nhất hai đường cao tốc đông xe qua lại để tới nơi sinh sống trong công viên Griffith ở Los Angeles. Nó trải qua hơn một thập kỷ lang thang khắp lãnh thổ nhỏ biệt lập và không có hy vọng tìm thấy bạn tình. Hồi tháng 12/2022, nhà chức trách phải tiêm trợ tử P-22 sau khi nó tấn công hai con chó nhà. Kết quả khám nghiệm sau đó hé lộ nó có nhiều vết thương do bị xe đâm, nứt sọ, bệnh thận, viêm khớp và nhiều bệnh kinh niên khác. Câu chuyện về nó đã truyền cảm hứng cho nhiều cá nhân và tổ chức đóng góp vào dự án Wallis Annenberg Wildlife Crossing.

Cập nhật: 29/04/2024 VnExpress
  • 504