Quyết định của ông Petrov được đưa ra khi toàn thế giới đang căng như dây đàn dưới sức nặng của Chiến tranh Lạnh.
Trong thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên bang Xô-viết đều xây dựng một kho vũ khí hạt nhân đồ sộ.
Không một bên nào dám khơi mào cuộc chiến với thứ vũ khí đáng sợ này, nhưng họ đều trong trạng thái sẵn sàng đánh trả nếu như có biến cố xảy ra. Tình hình đang căng như dây đàn.
Mọi mét vuông mặt biển, từng mét khối nước biển hay từng khoảng trời đều bị theo dõi nghiêm ngặt, nhằm phát hiện ra những mối đe dọa (nếu có).
Người đứng đầu hai nước lúc ấy là Yuri V. Andropov và Ronald Reagan đều chìm trong trạng thái hoang tưởng và lo ngại. Sự lo lắng ấy lan ra toàn dân toàn quân.
Nhưng may mắn cho hai nước, cho chúng ta và cho thế giới này, là Đại tá Xô-viết Stanislav Petrov đã ngăn cản Thế chiến Thứ Ba diễn ra, một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không bao giờ có kết quả tốt đẹp.
Ông Stanislav Petrov.
Ông Petrov lúc ấy là thành viên của lực lượng phòng không Xô-viết. Mọi chuyện diễn ra năm 1983, khi ông đa vận hành hệ thống Oko – Con mắt, mật danh cho hệ thống phát hiện sớm tên lửa hạt nhân đặt tại thành phố bí mật Serpukhov-15 của Nga.
Trung tâm điều hành của hệ thống này được đặt trong một hầm ngầm khổng lồ mà chính ông Petrov giúp thiết kế nên.
Đêm ngày 26 tháng Chín, trong ca trực của ông Stanislav Petrov, cảnh báo đã vang lên, báo hiệu một tên lửa xuyên lục địa đã được phóng từ căn cứ của Mỹ, vài giây sau, hệ thống phát hiện được thêm 5 tên lửa nữa.
Nhiệm vụ của ông Petrov là báo cáo lại tình hình cho cấp trên của mình, thông điệp sẽ được chuyển tới những thành viên cấp cao nhất nhằm đưa ra phương án đánh trả.
Chỉ có tổng cộng 25 phút từ lúc tên lửa của đối phương phóng lên không đến lúc nó phát nổ, ông Petrov lặng người. Trong một bài phỏng vấn với đài BBC hồi năm 2013, ông thổ lộ rằng:
"Chẳng có luật lệ nào cho việc ta được phép suy nghĩ trong vào bao lâu trước khi báo cáo lên cấp trên".
"Tuy vậy chúng tôi biết rằng cứ một giây phí phạm là một giây quý giá trôi qua, quân đội của Liên bang Xô-viết và những nhà cầm quyền phải được biết ngay lập tức.
Tất cả những gì tôi cần làm là nhấc điện thoại lên, gọi thẳng lên những nhân vật cấp cao nhất – nhưng tôi không nhúc nhích được. Cảm tưởng như mình đang ngồi trên chảo nóng vậy".
Ông Petrov quyết định nói với cấp trên rằng cảnh báo tên lửa chỉ là lỗi của hệ thống mà thôi. Ông đã nói với tờ The Washington Post hồi năm 1999 như thế này: "Tôi có một linh cảm gì đó, tôi không muốn phạm phải sai lầm. Tôi đã đưa ra quyết định, và đó là quyết định cuối cùng".
Hóa ra quyết định đó là đúng, và chúng ta không thể tưởng tượng ra kết cục sẽ ra sao nếu như ông Petrov báo "sự thật" lên với cấp trên, và Liên bang Xô-viết tiến hành phóng tên lửa hạt nhân nhằm đánh trả lại thứ mà họ tưởng là tên lửa tới từ Mỹ.
Ông Stanislav Petrov đã cứu thế giới khỏi thảm họa chiến tranh hạt nhân.
Sau này, ông Petrov có nói thêm về những lý do khiến ông tin vào linh cảm của mình: đáng lẽ một cuộc tấn công từ phía Mỹ phải là một cuộc không kích tổng lực, từng đó tên lửa là quá ít; hệ thống phát hiện tên lửa kia còn quá mới và chưa thực sự lấy được lòng tin của ông; cảnh báo tên lửa vượt qua 30 lớp xác nhận quá nhanh; radar mặt đất đã không bắt dược tín hiệu nào, kể cả vài phút sau khi cảnh báo xuất hiện.
Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn năm 2013, ông Petrov nói rằng lúc ấy ông không hoàn toàn chắc chắn nó là lỗi hệ thống.
Ông cảm thấy rằng khóa huấn luyện thường dân đã giúp ông đưa ra quyết định đúng đắn, đồng nghiệp của ông đều là những binh sĩ được huấn luyện quân sự kỹ càng và là những người tuân thủ nguyên tắc, có lẽ họ đã báo lên cấp trên về cảnh báo tên lửa này.
Ông Petrov đã phải trải qua nhiều lần giải trình, nhiều lần thẩm vấn của cấp trên. Có một cá nhân đứng ra khen ông Petrov và hứa hẹn một phần thưởng xứng đáng, đó là Chỉ huy của Đơn vị Tên lửa Phòng không Xô-viết đương nhiệm lúc ấy, Yury Votintsev.
Tuy nhiên, cấp trên vẫn khiển trách ông Petrov rằng ông đã làm giấy tờ sai thủ tục – không mô tả lại sự kiện này trong nhật ký chiến tranh của mình.
Đến năm 1990, toàn thể công chúng mới biết về hành động anh hùng của Stanislav Petrov, nhờ những chi tiết trong cuốn hồi ký chiến tranh của Chỉ huy Votintsev.
Tin tức nhanh chóng lan rộng, giới truyền thông khắp nơi ca ngợi Petrov, gọi ông là "Người đàn ông đã một tay cứu thế giới".
Ngày 21 tháng Năm năm 2004, ông nhận giải thưởng Công dân Thế giới từ Tổ chức Công dân Thế giới đặt tại San Francisco, kèm một chiếc cúp và giải thưởng 1.000 USD.
Tháng Một năm 2006, ông được vinh danh tại một cuộc gặp mặt các nước trong Liên Hợp Quốc, diễn ra tại thành phố New York.
Ngày 17 tháng Ba năm 2013, ông được trao giải thưởng Dresden tại Đức, giải thưởng bao gồm 25.000 Euro. Ngày 24 tháng Hai năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Truyền thông Đức 2011.
Ông Petrov nhận giải Dresden.
Ông Stanisslav Petrov mất ngày 19 tháng Năm năm 2017, hưởng thọ 77 tuổi. Trước khi qua đời, ông vẫn tin rằng mình chỉ làm công việc của mình thôi chứ không có gì quá to tát, người vợ chung sống với ông 10 năm trời còn chẳng biết ông đã làm được gì cơ mà!