Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn có thể có thật

  •   3,65
  • 6.370

Các nhà nghiên cứu tìm được bằng chứng cho thấy truyện cổ tích nổi tiếng thế giới "Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn" không phải tưởng tượng 100%.

Trong bài viết "Schneewittchen: Marchen oder Wahrheit?" (Bạch Tuyết: Liệu có phải là truyện cổ tích?) được đăng vào năm 1994, sử gia người Đức Eckhard Sander tuyên bố tìm thấy nguyên bản của câu chuyện trong tuyển tập truyện cổ dân gian châu Âu của anh em nhà Grimm xuất bản năm 1812.

Bạch Tuyết là nàng Margarete von Waldeck?

Theo Sander, nhân vật nàng Bạch Tuyết được xây dựng dựa trên cuộc đời của thiếu nữ người Đức Margarete von Waldeck. Nàng sinh năm 1533 và là con gái của bá tước Phillip IV xứ Waldeck-Wildungen. 16 tuổi, nàng bị mẹ kế là Katharina bắt đưa đến Widungen, Brussels. Ở đó, nàng đem lòng yêu hoàng tử mà sau này trở thành vua Phillip II của Tây Ban Nha.

Cha và mẹ kế của nàng phản đối mối quan hệ này vì cho rằng nó "gây phiền phức về mặt chính trị". Margarete chết một cách bí ẩn vào năm 21 tuổi. Người ta nghi nàng bị đầu độc. Theo các ghi chép lịch sử, vua Tây Ban Nha có lẽ đã phái thuộc hạ đến ám sát Margarete vì phản đối mối quan hệ của nàng với hoàng tử kia.

Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn có thể có thật
Tranh minh họa "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn". (Ảnh: Ancient-origins).

Về 7 chú lùn, nhà sử học cho biết cha của Margarete sở hữu một vài mỏ đồng và thuê trẻ em làm việc như nô lệ. Điều kiện làm việc khắc nghiệt và chế độ dinh dưỡng kém khiến nhiều đứa trẻ bị chết khi còn nhỏ. Những đứa trẻ sống sót thì còi cọc và chân tay bị biến dạng. Vì vậy, chúng thường bị gọi là "những chú lùn đáng thương".

Theo Sander, quả táo độc bắt nguồn từ một sự kiện trong lịch sử nước Đức. Một ông lão bị bắt vì mang táo độc cho những đứa trẻ mà ông ta nghi đã ăn cắp hoa quả của mình.

Hay nàng Maria Sophia von Erthal?

Cũng có người không đồng tình với giải thích của Sander về nguyên tác của câu chuyện. Theo một nhóm nghiên cứu ở Lohr, Bavaria, câu chuyện được xây dựng dựa trên cuộc đời của nàng Maria Sophia von Erthal, sinh ngày 15/6/1729 ở Lohr am Main, vùng Bavaria. Nàng là con gái Hoàng tử Philipp Christoph, một địa chủ thế kỷ 18, và vợ là Baroness von Bettendoff.

Sau khi vợ qua đời, Hoàng tử Philipp tái hôn với Claudia Elisabeth Maria von Venningen, Nữ Bá tước vùng Reichenstein. Người ta nói bà này rất ghét các con riêng của chồng.

Trong lâu đài nơi họ sinh sống có một "chiếc gương biết nói". Thứ đồ chơi có thể phát ra âm thanh này được làm vào năm 1720 bởi nhà máy sản xuất gương của khu Mainz ở Lohr. Nó được thấy trong ngôi nhà mẹ kế của Maria từng sinh sống.

Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn có thể có thật
"Chiếc gương biết nói" này là vật trang trí trong lâu đài nơi mẹ kế của Maria sinh sống. (Ảnh: Bảo tàng Spessart).

Những chú lùn trong câu chuyện về nàng Maria cũng gắn liền với một thị trấn mỏ có tên là Bieber nằm ở phía tây của Lohr và lọt thỏm giữa 7 ngọn núi. Chỉ những người thợ mỏ thấp bé đội những chiếc mũ trùm đầu sáng màu, như những chú lùn vẫn được mô tả trong truyện, mới chui được vào những đường hầm nhỏ nhất ở đó.

Nhóm nghiên cứu ở Lohr cho rằng chiếc quan tài bằng kính trong truyện gắn liền với những sản phẩm bằng kính được làm trong vùng, còn quả táo độc có thể liên quan đến loại cà có chứa chất độc chết người mọc nhiều ở đây.

Theo Acient Origins, mặc dù nguyên tác truyện "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn" còn là bí ẩn, tuy nhiên, chúng ta cũng có thể chắc chắn một điều rằng câu chuyện này được xây dựng dựa trên một số sự kiện có thật trong lịch sử.

Rất nhiều nghiên cứu khác nữa về các sự kiện và nhân vật lịch sử có cuộc sống giống như Bạch Tuyết. Điều này càng khiến cho hậu thế thêm phần thắc mắc về nguồn gốc thực sự của câu chuyện này.

Tất cả đều dừng ở ghi chép và phân tích giả định, không ai có thể chứng minh đúng sai. Có thể anh em nhà Grimm đã ghi chép các sự kiện có thực và pha trộn cùng trí tưởng tượng để tạo ra câu chuyện cổ tích huyền thoại, cũng có thể là không.

Chỉ có một điều chắc chắn là sau nhiều thế kỷ, đây vẫn là một trong những câu truyện cổ tích nổi tiếng nhất, xây dựng lòng trắc ẩn và niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải với bao thế hệ tuổi thơ khắp thế giới.

Và việc đi tìm nguồn gốc câu truyện cũng không phải là điều quá quan trọng.

Cập nhật: 29/07/2020 Theo VnExpress/Tuổi Trẻ
  • 3,65
  • 6.370