Những con dơi đực có bộ não phát triển thì tinh hoàn của chúng lại khá "khiêm tốn". Các nhà nghiên cứu cho biết mối tương quan này là do cả hai cơ quan tốn đều rất nhiều năng lượng để phát triển, nên buộc các loài phải tự tìm ra sự cân đối tối ưu.
Cuộc phân tích 334 con dơi đã tìm thấy ở những loài mà con cái hay lăng nhăng, con đực có cặp tinh hoàn to bự nhưng lại có bộ não tương đối nhỏ. Còn ở loài mà con cái chung thuỷ, tình hình ngược lại. Sự chung tình của con đực không có tác động nào tới kích cỡ não hay tinh hoàn.
Cả mô não và tế bào tinh trùng đều cần rất nhiều năng lượng trao đổi chất để phát triển và duy trì. Các loài khác nhau đã có sự ưu tiên khác nhau trong việc phát triển cơ quan này hay cơ quan kia, tất cả đều nhằm giúp chúng sản sinh nhiều con hơn.
"Khối lượng tinh hoàn của dơi chiếm từ 0,12% đến 8,4% khối lượng cơ thể - vượt qua mức của bất cứ loài động vật có vú nào. Khối lượng tinh hoàn của linh trưởng chỉ chiếm 0,02-0,75% trọng lượng cơ thể", Scott Pitnick tại Đại học Syracuse, Mỹ, nói.
Việc sử dụng năng lượng hiệu quả là rất quan trọng với loài dơi, Pitnick nói: "Chúng là những sinh vật nhỏ bay trên bề mặt rộng, chúng cần phải bay rất nhiều, đặc biệt trong mùa sinh sản".
Ban đầu, Pitnick và cộng sự phỏng đoán rằng ở những loài có con cái hay đi chung chạ, con đực cần não lớn hơn để tránh bị "cắm sừng". Vì vậy họ rất ngạc nhiên khi tìm ra điều ngược lại. "Có thể sự chung thuỷ lại tốn nhiều nơron thần kinh hơn".
Harry Moore, nhà nghiên cứu tại Đại học Sheffield, Anh, cho biết kích cỡ tinh hoàn thường liên quan tới lượng tinh trùng. "Ở những loài có con cái đa tình, con đực phải cạnh tranh để được thụ tinh trứng của nàng và vì vậy cần sản xuất nhiều tinh trùng. Điều này đặc biệt đúng ở dơi khi mà con cái tích trữ tinh trùng trong vài tháng".
M.T. (Newscientist)