Nếu người ngoài hành tinh tấn công, chúng ta phải liều chết bảo vệ Mặt Trăng

  •   4,413
  • 21.239

Ngôi sao cách chúng ta 238.900 dặm mới chính là mục tiêu tối quan trọng cần được để tâm đến nếu nhân loại muốn tiếp tục tồn tại và phát triển.

Chắc hẳn hầu hết chúng ta đã không còn lạ lẫm gì đối với những viễn cảnh khoa học giả tưởng về việc người ngoài hành tinh có ý định tấn công, xâm lăng địa cầu. Khi ấy chúng thường lợi dụng một địa điểm trước đó để tiến hành chiến dịch, đảm bảo kế hoạch thành công. Thông thường, Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên của Trái Đất - chính là cái tên "sáng giá" nhất cho mục đích đen tối này.

Tất nhiên, ai cũng biết là không hề có bất kỳ cư dân địa cầu nào sinh sống trên đó, không công cụ khai thác hay cơ sở hạ tầng nhân tạo, không chứa đựng những nguồn tài nguyên, vật chất quý giá. Thế nhưng Mặt Trăng lại có mối quan hệ vô cùng mật thiết đến sự sống còn của tất cả giống loài, sinh vật trên hành tinh quê hương của chúng ta. Nếu các thế lực thù địch trong vũ trụ có ý định "thổi bay" hay phá hoại nó, nhân loại chắc chắn sẽ lâm vào cảnh khốn đốn, kể cả khi chúng ta hoàn toàn có đầy đủ tiềm lực để kháng cự lại những cuộc tấn công đe dọa bằng vũ trang.

Mặt Trăng luôn luôn đóng một vai trò thiết yếu và quan trọng trong việc ảnh hưởng, tác động lên những quy trình tuần hoàn của thiên nhiên lên Trái Đất. Theo nhiều nghiên cứu khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng, ngôi sao này xuất hiện chỉ 30 triệu năm sau khi Trái Đất hình thành (4,53 tỉ năm trước đây). Kể từ khi đó, vai trò chính yêu nhất của Mặt Trăng vốn vẫn luôn đi liền với sự điều hòa của thủy triều và dòng chảy của mực nước trên hành tinh.

Các nhà khoa học cũng từng phát hiện ra một sự thật thú vị: Ở những giai đoạn sơ khai ban đầu, khoảng cách của Mặt Trăng đối với Trái Đất chỉ bằng khoảng một nửa so với hiện nay - từ đó ảnh hưởng của nó lên chu kỳ tuần hoàn thủy triều rõ rệt hơn rất nhiều. Điều này dẫn đến việc nhiệt độ bị phân tán từ xích đạo về phía hai cực, khiến cho toàn bộ hành tinh lâm vào Kỷ băng hà.

Mặt trăng có vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng, tác động lên những quy trình tuần hoàn của thiên nhiên lên Trái Đất.
Mặt trăng có vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng, tác động lên những quy trình tuần hoàn của thiên nhiên lên Trái Đất.

Sự kiện đột biến này đã thúc đẩy sự đa dạng hóa về cả mặt giống loài cũng như khu vực phân bố của các sinh vật trên toàn thế giới.

Thực tế, tầm quan trọng của nước đối với quy trình hình thành và phát triển ngay từ dạng phân tử của sự sống nguyên thủy hữu cơ chính là khía cạnh giải thích cụ thể nhất cho ý nghĩa của Mặt Trăng. Nói cách khác, đây là một trong những yếu tố khởi nguồn, xúc tác nên sự sống và tiến hóa của các sinh vật trên hành tinh.

Đó là những bài học đắt giá trong quá khứ từ hàng tỉ năm trước, vậy thời đại ngày nay thì sao? Đâu sẽ là hậu quả nghiêm trọng nhất xảy ra với nhân loại nếu Mặt Trăng biến mất hoặc bị vỡ nát?

"Cuộc sống của chúng ta sẽ bị đảo lộn hoàn toàn, mà nguyên nhân chính đến từ sự phá vỡ chu kỳ lên xuống của thủy triều", trích lời Noah Petro, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Goddard trực thuộc NASA, đồng thời cũng làm nhiệm vụ trong bộ phận theo dõi tác động của Mặt Trăng. Chia sẻ với Inverse, ông cho rằng hình ảnh quen thuộc của những con sóng lên xuống theo mỗi giai đoạn trong ngày sẽ biến mất, thay vào đó chỉ còn những động thái rất nhỏ phụ thuộc một phần vào quỹ đạo quay của Trái Đất quanh Mặt Trời.

Dấu hiệu và hậu quả lớn nhất theo sau đó là mực nước biển tụt giảm trầm trọng. Mặc dù ban đầu hiện tượng này có thể giúp giảm thiểu nguy cơ lũ lụt và ngập úng do triều cường dâng cao, tuy nhiên đó chỉ là vài ngoại lệ, bên cạnh rất nhiều lợi ích khác con người được hưởng từ hoạt động của thủy triều. Những loài cùng họ với trai, sò sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến cả một hệ sinh thái dưới nước cũng như nguồn cung cấp thức ăn cho các sinh vật khác, kể cả con người.

Hơn nữa, không gì có thể thay thế được Mặt Trăng trong nhiệm vụ chuyển lưu dòng nước xung quanh khu vực xích đạo. Nếu sự việc diễn biến theo hướng như giả thiết được đặt ra trước đó, sẽ không còn một vệ tinh tự nhiên nào đảm nhận vai trò này, do đó nước biển sẽ tự phân phối ngược trở về phía hai cực. Tiếp tục, điều này nghe như một hướng tích cực cho những thành phố đang bị đe dọa bởi mực nước biển cận kề dâng cao, nhưng sẽ là một nỗi ác mộng cho những nguồn nước trong đất liền chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dương. Những cửa sông khi ấy sẽ chỉ gần như trơ trọi lại cát sỏi, không thể bão hòa tỷ lệ muối giao thoa giữa hai vùng nước. Sông và hồ nội địa cũng sẽ bị thu nhỏ lại so với thông thường.

Trừ khi chúng ta tìm ra một công nghệ khác cứu vãn cho tình thế trên, thế giới sẽ lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Mà có lẽ không hẳn phải chờ đợi đến lúc đó, hiện nay đã có nhiều vùng đất phải đối mặt với vấn đề hiểm nghèo như vậy rồi.

Bên cạnh đó, Petro cũng nhắc đến thêm hai khía cạnh nữa có thể tác động đến Trái Đất nếu Mặt Trăng biến mất. "Quỹ đạo của Trái Đất được ổn định hóa bởi vệ tinh của nó, vì vậy khí hậu và thời tiết chắc chắn sẽ thay đổi nếu viễn cảnh trên xảy ra", ông nhận định, lấy sao Hỏa làm ví dụ. Sao Hỏa không có một Mặt Trăng như Trái Đất, do đó không có bất kỳ lực tác động nào khác lên độ nghiêng trục quay của nó, khiến cho kỷ băng hà trên ấy vẫn kéo dài tới tận bây giờ.

Sao Hỏa không có một Mặt Trăng như Trái Đất, do đó không có bất kỳ lực tác động nào khác lên độ nghiêng trục quay của nó.
Sao Hỏa không có một Mặt Trăng như Trái Đất, do đó không có bất kỳ lực tác động nào khác lên độ nghiêng trục quay của nó.

Ngoài ra, Trái Đất cũng sẽ trải qua một thời kỳ giảm nhiệt độ ban đầu, sau đó có thể sẽ dần ấm lên. Những giới hạn khắc nghiệt cực điểm của khí hậu cũng sẽ xuất hiện với tần suất nhiều hơn và dài hơn. Tất nhiên hiệu ứng đó sẽ không thể ngay lập tức lộ rõ ra, ít nhất phải sau khoảng thời gian 1.000 đến 10.000 năm.

Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề nữa nhân loại cần gấp rút tìm ra cách giải quyết và đối phó nếu Mặt Trăng rơi vào tình cảnh bị... nổ tung vì chủ đích nào đó, chính là các mảnh vụn theo sau. Rất nhiều bộ phận của Mặt Trăng sẽ phân tán vào quỹ đạo của Trái Đất, hay thậm chí là xâm phạm bầu khí quyển và lao xuống bề mặt. Nếu đủ lớn, cú va chạm đó sẽ tạo nên một thảm họa khủng khiếp cho hành tinh của chúng ta.

Ngoài ra, nếu chưa tính đến mức độ gay gắt như vậy, chỉ xét về mặt ảnh hưởng đến những vệ tinh nhân tạo xung quanh quỹ đạo Trái Đất cũng sẽ khiến cho bộ máy chính quyền và quân sự trên toàn thể thế giới lâm vào hỗn loạn. Nói cách khác, hãy sẵn sàng nói lời vĩnh biệt những công cụ liên lạc thông tin truyền thông tân tiến hàng đầu đó nếu như những thế lực ngoài hành tinh bắn phá Mặt Trăng. Hy vọng là khi ấy vẫn còn những đường cáp viễn thông truyền tính hiệu trên Trái Đất thay thế tạm thời cho mất mát đó.

Cập nhật: 12/07/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,413
  • 21.239