Giá trị của một chiếc ngà có thể bằng tiền lương 5 năm cộng lại của một người. Đây quả nhiên là công việc “biến ước mơ thành hiện thực” của người bình thường.
Ở đất nước Nga lạnh lẽo có một nhóm người làm nghề đặc biệt, 1 năm chỉ làm việc 2 tháng, mà thu nhập có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Có người gọi họ là “người đào xác”, cũng có người nói họ làm nghề đào "răng", giống như nghề đào vàng. Chỉ là thứ họ đào không phải là vàng bạc châu báu, mà là ngà voi ma mút, còn có sừng và lông thú quý hiếm cổ đại.
Những người làm nghề đào ngà voi ma mút.
Tình trạng nóng lên toàn cầu không còn là điều mới lạ. Mùa hè hàng năm, lớp băng vĩnh cửu ở vùng Siberia bắt đầu tan chảy. Người làm nghề đào ngà voi ma mút cũng chuẩn bị hành trang lên đường “săn lùng kho báu”.
2 tháng vỏn vẹn, những người này làm việc không màng ngày đêm, chỉ để tìm kiếm cơ hội phát tài cho bản thân và gia đình cuộc sống tốt hơn.
Nghe nói, một chiếc ngà voi ma mút hoàn chỉnh, nặng khoảng 65kg, có thể bán ra với giá 40 nghìn USD (gần 1 tỷ đồng). Nếu vận may đủ nhiều, một tuần có thể đào được 2-3 chiếc ngà, thu nhập lên đến 100 nghìn USD (gần 2,5 tỷ đồng).
Siberia nằm ở vùng Đông Bắc nước Nga, là khu vực hành chính lớn nhất ở đất nước có lãnh thổ rộng nhất thế giới.
Hầu hết các vùng núi và đài nguyên (đồng rêu) ở đây đều nằm trong vành đai băng vĩnh cửu, mùa đông kéo dài, nhiệt độ chênh lệch với mùa hạ có thể lên đến 75 độ C.
Tài nguyên của Siberia vô cùng phong phú, bao gồm dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá. Ngoài ra, còn có lượng lớn kim cương và các khoáng thạch quý hiếm khác.
Siberia còn được xem là nơi tìm thấy ngà voi ma mút nhiều nhất cho đến hiện tại, khoảng 90% ngà voi ma mút trên thế giới đều đến từ nơi này.
Siberia còn được xem là nơi tìm thấy ngà voi ma mút nhiều nhất.
Theo thống kê, trước năm 2018, hơn 100 tấn ngà voi ma mút được tìm thấy ở Siberia mỗi năm. Chuyên gia cho biết số lượng này còn có thể tăng lên vì dưới nền đất nơi đây tiềm ẩn hơn 550 nghìn tấn ngà voi.
Siberia cũng là nơi tìm thấy xác voi ma mút hoàn chỉnh nhất. Đơn cử là cá thể voi ma mút con được tìm thấy vào năm 2012.
50.000 năm trước, khu vực Siberia là vùng thảo nguyên tươi tốt, là nơi sinh sống của nhiều đàn voi ma mút. Loài động vật cổ đại này có cơ thể to lớn, tương tự như loài voi thời nay, nhưng phần ngà phát triển dài và cong hơn rất nhiều.
Sau đó vì vấn đề khí hậu (có giả thuyết là hoạt động săn bắn của con người), khoảng hơn 10.000 năm trước, voi ma mút đã bị tuyệt chủng. Nhưng cũng nhờ có điều kiện khí hậu đặc biệt, xác của chúng không bị phân hủy hoàn toàn vì được bao bọc trong lớp băng vĩnh cửu.
Nghề đào ngà voi ma mút đã hưng thịnh trong những năm gần đây. Đầu tiên, người bản địa phát hiện ngà voi trong đất, sau đó có các thương nhân tìm đến thu mua giá cao. Thu nhập của người bản địa vốn rất thấp, đương nhiên họ không thể cưỡng lại giá trị kinh tế cao ngất trời từ chiếc ngà voi cổ đại.
Mặc dù đây là công việc có thể “một đêm phát tài”, nhưng thật sự không có nhiều người sẵn sàng dấn thân vào hành trình đào ngà voi 2 tháng trong năm.
Loài động vật cổ đại này có cơ thể to lớn, tương tự như loài voi thời nay, phần ngà cong hơn nhiều.
Người tìm kiếm ngà voi ma mút hợp pháp là phải thuộc đội nhóm hẳn hoi, còn phải có giấy phép. Hành tung của nhóm làm nghề này rất thần bí, địa điểm được giấu kín, hơn nữa còn có nhân viên bảo vệ chuyên dụng, chỉ có người được tín nhiệm mới có thể gia nhập.
Lợi nhuận cao luôn chứa đựng nhiều mặt tối khó lường. Các nhóm khai quật ngà voi ma mút cũng không phải đều chính quy. Hầu hết là các nhóm nghiệp dư, hoạt động bất hợp pháp. Trong những trường hợp này, người bình thường càng khó tham gia hơn.
Nhưng dù cho đã đủ điều kiện gia nhập đội đào ngà voi, nhiều người cũng chưa chắc chịu đựng được những khắc nghiệt trong chuyến đi “tìm kho báu” trong 2 tháng liền.
Mùa hè năm 2016, một nhiếp ảnh gia đã tham gia và chụp ảnh trải nghiệm hành trình đào ngà voi trong 3 tuần. Anh gia nhập nhóm thành công, với điều kiện không tiết lộ danh tính và địa điểm khai thác, chịu trách nhiệm nấu ăn và hậu cần cho nhóm.
Những người tham gia đều là nam giới.
Những người tham gia đều là nam giới. Họ rời xa gia đình và con cái, sống một cuộc sống "không phải con người", bùn nhơ khắp mọi nơi, núp mình trong túp lều đơn giản, ăn đồ đóng hộp, muỗi quấy rầy mọi lúc mọi nơi, sốt vì muỗi chích là chuyện thường tình.
Khối lượng công việc nặng nề, môi trường khắc nghiệt, hầu như không có hoạt động giải trí. Mỗi ngày đều ôm giấc mộng tìm thấy ngà voi để một đêm phát tài, nhưng thất vọng hết lần này đến lần khác, áp lực và chán nản bủa vây.
Theo quy định của địa phương, ngà voi ma mút tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu tan chảy mới được khai thác.
Đôi khi, để mở rộng khu vực khai quật, họ cũng có thể sử dụng súng nước tạo đường hầm.
Để có được ngà voi ma mút một cách hợp pháp, những người đào ngà đã sử dụng súng nước áp suất cao để đẩy nhanh sự tan chảy của băng. Đôi khi, để mở rộng khu vực khai quật, họ cũng có thể sử dụng súng nước tạo đường hầm, đào sâu xuống lòng đất, sâu nhất có thể lên đến 60 mét. Cấu trúc núi không chắc chắn thì hiện tượng sạt lở, sụp đổ rất dễ xảy ra.
Những người đào ngà voi làm việc ở đây có một thói quen chung, mệt mỏi thích uống rượu, thậm chí nghiện rượu, rất dễ xảy ra trường hợp mâu thuẫn rồi xô xát dẫn đến tử vong.
Điều đáng lo ngại hơn là sinh vật cổ đại rất có thể mang virus không xác định. Voi ma mút được bảo tồn hoàn hảo trong đài nguyên, đồng nghĩa với việc những loại virus cổ đại cũng có thể sống sót. Chỉ cần yếu tố môi trường thích hợp, chúng có thể hoạt động trở lại, là mối nguy hiểm tiềm tàng không thể lường trước.
Nghề đào ngà voi cần nguồn vốn rất lớn.
Sức mạnh của súng nước cao áp đến từ máy bơm nhiên liệu. Nếu làm việc cả ngày lẫn đêm, một nhóm sẽ sử dụng 5 tấn dầu diesel trong 3 tuần. Nhiều nhóm được hình thành từ những người nghiệp dư nghèo nàn, cuộc sống còn lo chưa đủ chứ nói gì đến việc mua súng nước cao áp, máy bơm và dầu. Do đó, họ chỉ có thể liều mạng vay vốn cho công cuộc làm giàu.
Song không phải ai cũng may mắn tìm được ngà voi ma mút hoàn chỉnh, thậm chí ngay cả cái bóng của ngà voi cũng không thấy, chỉ thu được một ít xương "không có giá trị kinh tế".
Kết cục của đa số người đào ngà voi thường là: Xa gia đình, mạo hiểm cuộc sống để khai quật thứ ẩn mình dưới lớp băng dày, không chỉ trở về tay không mà còn mang khoản nợ khổng lồ.
Theo thống kê, chỉ có 20-30% những người đào ngà voi ma mút có lợi nhuận, còn lại đều bị thua lỗ.
Trong giao dịch này, "đại lý thu mua" mới là bên hưởng lợi nhuận thật sự. Một chiếc ngà voi ma mút hoàn chỉnh có giá mua hàng chục nghìn USD. Nhưng sau khi gia công, giá trị lên đến hàng trăm nghìn USD, thậm chí có thể đạt một triệu USD nếu vượt trội về kích thước, độ tuổi và độ quý hiếm.
Trên thế giới, ngoại trừ một vài khu vực, hầu hết các giao dịch ngà voi ma mút là hợp pháp, vì việc mua lại ngà voi ma mút không dựa trên việc giết chết voi ma mút và không gây ảnh hưởng đến nguy cơ tuyệt chủng của loài voi hiện tại.
Trên thế giới, ngoại trừ một vài khu vực, hầu hết các giao dịch ngà voi ma mút là hợp pháp.
Nhìn nhận ở góc độ khác, việc buôn bán ngà voi ma mút có lợi cho việc bảo vệ voi hiện đại. Kể từ khi buôn bán ngà voi bị cấm, nhu cầu quốc tế chỉ tăng không giảm. Sự xuất hiện của ngà voi ma mút có thể xem như vật thay thế để giảm hoặc thậm chí ngăn chặn việc giết voi bất hợp pháp.
Nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp “lách luật”, lấy buôn bán ngà voi ma mút làm vỏ bọc, trộn lẫn với ngà voi hiện đại để giao dịch.
Ngà voi ma mút và ngà voi thông thường có sự khác nhau, chẳng hạn như dáng ngà voi ma mút cong hơn, và sau một nghìn năm đóng băng, ngà tương đối giòn, màu sắc ngả vàng.
Một người chuyên nghiệp có thể phân biệt một cách dễ dàng, nhưng với “kẻ tay mơ” thì lại khác.
Các nhà khoa học cũng lo ngại rằng hành vi khai thác ngà voi quá mức (súng nước xới tung đất, đào hố…) có thể phá hủy môi trường sinh thái địa phương. Mặc dù nhiều nơi đã ban hành các quy định không cho phép đào ngà voi bất hợp pháp, nhưng mức phạt vi phạm rất thấp, lần đầu vi phạm phạt 45 USD, bắt tận tay 3 lần mới bị cáo buộc.
Ngoài ra, hoạt động ngành nghề này hoàn toàn không có lợi cho công tác nghiên cứu. Đây là một sự tổn thất rất lớn đối với giới khoa học.