Uống cà phê giúp những ai đang uể oải lấy lại tinh thần, tuy nhiên, với những người vốn đã chăm chỉ, chất caffeine có thể sẽ làm giảm ham muốn làm việc của họ.
Các nhà khoa học chứng minh rằng cà phê làm những người lười biếng hào hứng làm việc. Tuy nhiên, loại đồ uống này, ngược lại, có hại đối với những người vốn cần cù, chăm chỉ. Nghiên cứu của đại học British Columbia bao gồm việc so sánh tác động của chất kích thích lên những con chuột "lười biếng" và chuột "chăm chỉ" nhằm giải thích sự khác biệt về tác động của chất kích thích đối với mỗi người. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy các bệnh nhân đang được chữa trị bằng chất kích thích có thể trở nên tốt hơn với các chương trình điều trị cá nhân.
Tiến sĩ Jay Hosking đến từ khoa tâm lý học thuộc đại học British Columbia nhận xét: "Mỗi buổi sáng hàng triệu người trên thế giới sử dụng các chất có tính kích thích để tỉnh táo, giữ được sự minh mẫn và tăng cường khả năng lao động. Người lái xe tải dùng chúng để khỏi buồn ngủ khi làm việc ban đêm. Học sinh sinh viên dùng chúng để tận dụng thời gian ôn luyện khi thi cử".
Thế nhưng theo ông, cà phê và những chất kích thích khác trong số đó có amphetamin, tác dụng lên mỗi người một khác và không như người ta thường nghĩ. Kết quả nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp chứng tỏ rằng một số chất kích thích có tác dụng hoàn toàn ngược lại đối với những người đang tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp.
Thêm vào đó, tiến sỹ Hosking cho biết: "Tôi cho rằng điểm khác biệt quan trọng nhất giữa nhóm chăm chỉ và nhóm lười làm việc là cách đưa ra quyết định. Một vài người sẵn sàng bỏ thêm công sức để đạt được sự thăng tiến, trong khi đó, một số người lại hài lòng với mức lương hiện có và đầu tư rất ít vào công việc". Bên cạnh đó, đồng nghiệp của Hosking là giáo sư Catharine Winstanley đã phát hiện ra rằng: giống như người, những con chuột cũng cho thấy những cấp độ khác nhau về sự sẵn sàng để bỏ công sức nhiều hay ít khi đi kiếm ăn. Khi được tiêm chất kích thích amphetamine, những con chuột "lười biếng" thường ngại đối mặt với thử thách lại hoạt động năng nổ hơn trong khi những con chuột "chăm chỉ" thích đương đầu với thử thách lại mất đi động lực bởi caffeine hoặc amphetamine.
Mặc dù các nhà khoa học cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của não nhưng nghiên cứu trên cho thấy: tinh thần tập trung của mỗi người để đạt được mục tiêu công việc có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định chất kích thích tác động đến họ như thế nào, Hosking cho hay. Điều đáng ngạc nhiên là các chất kích thích như caffeine lại tác dụng tích cực với những người lười làm việc và tác dụng tiêu cực với những người chăm chỉ.
Theo tiến sỹ Hosking, hiện tượng này khá dễ nhận thấy trong cuộc sống thường ngày. Với một số người, uống cà phê thật sự giúp họ tỉnh táo và lấy lại tinh thần trong thời điểm buồn ngủ nhất vào buổi trưa. Tuy nhiên, với một số người khác, cà phê khiến họ cảm thấy bồn chồn, kích thích đến nỗi không thể tập trung vào công việc.
Ngoài ra, theo giáo sư Winstanley, những người mắc các chứng bệnh về tâm lý, tổn thương não và hội chứng rối loạn tăng động - thiếu chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder, viết tắt là ADHD) có thể được chữa trị tốt hơn từ các chương trình điều trị cá nhân bởi lưu ý rằng các bệnh nhân thường sử dụng chất kích thích để chống lại sự uể oải và mệt mỏi do tình trạng bệnh tình và điều kiện chữa trị. "Qua nghiên cứu, chúng tôi có thể nhận ra những lợi ích quan trọng nhằm xác định sự khác biệt về nhận thức giữa các bệnh nhân khi áp dụng các chương trình điều trị", giáo sư Winstanley nói.
Trước đây đã có nhiều công trình chứng minh rằng cà phê có tác động khác hẳn nhau đối với phái yếu và phái mạnh khi ở tình trạng đang bị stress. Trong khi phụ nữ sau khi uống vài tách cà phê trở nên năng động hơn, sáng suốt hơn và nhạy cảm hơn thì đối với nam giới, cà phê lại khiến họ chậm chạp hơn, thiếu quyết đoán hơn và hay hoài nghi hơn. Từ đó các nhà khoa học khuyến cáo những người làm việc chăm chỉ nên cân nhắc kỹ khi chọn cho mình một tách cà phê vào buổi trưa.