Nghiên cứu mới từ Úc phát hiện ra 2 loại kim cương quý nhất thế giới thực ra hình thành từ... xác những sinh vật sống ở độ sâu 300-1.000km dưới lòng đất.
Theo bài công bố trên Scientific Reports, có 3 loại kim cương chính trên Trái đất.
Thứ nhất là kim cương thạch quyển, hình thành cách bề mặt Trái đất 150-250 km, là loại kim cương phổ biến nhất mà chúng ta hay dùng. Hai loại còn lại là kim cương đại dương và kim cương lục địa siêu sâu, được tìm thấy trong đá đại dương và những loại đá lục địa được Trái đất vô tình lôi lên từ khoảng cách 300-1.000 km.
Kim cương sâu ở dạng thô. Chúng quý giá hơn những chiếc nhẫn bạn đeo trên tay rất nhiều - (Ảnh: THE CONVERSATION)
Phân tích mới từ nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà địa chất học Luc Doucet từ Đại học Curtin (Úc), dựa trên một đồng vị carbon đặc biệt được tìm thấy trong lõi kim cương là Delta13C. Lõi này chứng minh nguồn gốc hữu cơ của nó. Hay nói cách khác, những viên đá quý này là những gì còn sót lại của những sinh vật đã từng sống!
Theo Science Alert, phát hiện này làm thay đổi nhiều quan niệm cũ về cách Trái đất vận hành. Rõ ràng ở sâu trong lòng Trái đất có tồn tại một hệ thống vi sinh vật đặc biệt và hành tinh của chúng ta đã biến xác của chúng thành những tạo vật đẹp đẽ nhất, quý nhất trong số các viên kim cương nhân loại say mê.
Loại kim cương sâu này thường đến được bề mặt Trái đất thông qua các vụ phun trào núi lửa. Một số chúng quay trở lại thạch quyển và trở thành lõi của một viên kim cương vô cơ lớn hơn, tức một viên kim cương sâu được bọc bởi kim cương thạch quyển.
Trong những năm gần đây, một số viên kim cương sâu bị lỗi đã giúp các nhà khoa học giải mã nguồn gốc và sự hình thành của chúng, nhờ những tạp chất mà chúng vô tình để vướng trong cơ thể khi hình thành.