Người dân hoảng hốt khi thấy sinh vật lạ xuất hiện trên đường phố Australia

  •  
  • 2.511

Sinh vật có ngoại hình giống hổ Tasmania đi lại trên đường phố Melbourne , Australia khiến người dân ở đây được phen hoảng hốt.

Ngày 7/9/1936, con hổ Tasmania cuối cùng mà các nhà nghiên cứu biết tới đã chết trong tình trạng bị giam cầm tại vườn thú Beaumaris của thành phố Hobart, Úc. Thế nhưng mới đây, những hình ảnh về một sinh vật gầy gò, màu xám, có đuôi dài và bộ lông lốm đốm nghi là hổ Tasmania chạy trên một con đường ở ngoại ô phía Tây Bắc Strathmore, Melbourne, Australia đã xuất hiện trên mạng xã hội, khiến nhiều người bất ngờ.

Tài khoản TikTok andy_b11, cũng là người đã chia sẻ đoạn video đặt câu hỏi rằng anh không biết liệu đó có phải là loài hổ Tasmania được cho là đã tuyệt chủng từ lâu hay không. Người đàn ông đuổi theo con vật để quay video trước khi nó trốn vào bụi cây ven đường. Có thể thấy sinh vật kỳ lạ xuất hiện trong video có các sọc đen trên lưng, không khác gì so với nét đặc trưng của loài Hổ Tasmania.

Cư dân mạng đã nhanh chóng đưa ra những bình luận về sinh vật lạ. "Nó hơi nhỏ, không giống hổ Tasmania mà trông giống như một con cáo", "Tôi chắc chắn những con hổ lớn hơn thế", "Đó giống một con chó đói ăn", "Con vật có cái đuôi cứng và chắc, dày ở gốc. Nó có sọc dọc sống lưng". "Nó có kích thước của một con chó chăn cừu Kelpie Úc (Australian Kelpie)"... một số bình luận cho biết.

Sinh vật được cho là hổ Tasmania với những đặc điểm ngoại hình gần như tương đồng.
Sinh vật được cho là hổ Tasmania với những đặc điểm ngoại hình gần như tương đồng.

Mặc dù có tên là "hổ", song hổ Tasmania trên thực tế lại là một thành viên của gia đình thú ăn thịt có túi Thylacine, còn được gọi là chó sói Tasmania do hình dạng giống họ chó - đặc biệt là cái đầu. Chúng có bộ lông màu nâu vàng và các dải sọc đen vằn ở phần cuối lưng và đuôi.

Không giống như hầu hết các loài thú có túi khác, cả hổ đực và hổ cái Tasmania đều sở hữu những chiếc túi, chúng có tên khoa học là Thylacinus cynocephalus, tạm dịch là "thú đầu chó có túi". Ngoài ra, hổ Tasmania cũng có cái đuôi cứng như chuột túi và 4 chân rất ngắn. Chúng có hàm răng sắc nhọn, với từ 40 đến 50 chiếc răng, và có thể sinh sống tới 7 năm bên ngoài tự nhiên.

Loài vật này có thói quen săn mồi đơn độc và thường có thói quen ăn đêm, chúng giao tiếp với nhau thông qua tiếng sủa khàn khàn, hay tiếng kêu "giống như chó sục", một số nguồn tin cho biết.

Theo nhà khoa học người Mỹ Richard K. Nelson, "Thylacine là một trong những động vật đặc biệt nhất trên Trái Đất - chúng có tên gọi là hổ, nhưng lại giống như chuột túi và được tạo hóa nhào nặn lại để giống như một con chó".

Sinh vật này từng xuất hiện lần đầu tiên ở Australia và Papua New Guinea, nhưng khoảng từ 2.000 - 200 năm trước, chúng đã biến mất dần trên đại lục Australia.

Hổ Tasmania là những sinh vật nhút nhát và rất dễ bị bắt bởi do sinh sống tách biệt và thiếu đi bóng dáng của loài người trong suốt thời gian phát triển nên chúng chưa kịp hình thành thói quen biết sợ con người.

Con mồi của hổ Tasmania thường là chuột túi kanguru, gấu túi wombat và đôi khi cừu và gia súc. Chính bản tính thích săn trộm các loài gia súc đã khiến cho chúng trở thành "cái gai" trong mắt của những thực dân Anh, những người định cư ở Tasmania vào năm 1803.

Hệ quả là những con hổ Tasmania hoang dã cuối cùng đã bị con người săn bắn đến mức tuyệt chủng. Ban đầu, người dân bản địa chưa biết nhiều về loài thú này và thậm chí sợ rằng chúng sẽ tấn công con người. Tuy nhiên trên thực tế, chúng sống ẩn dật trong tự nhiên và có xu hướng né tránh, rất ít khi chạm mặt con người.

Kể từ khi loài vật này tuyệt chủng vào năm 1936, Công viên và Dịch vụ Động vật hoang dã của Tasmania đã điều tra hơn 400 trường hợp nhìn thấy hổ Tasmania được báo cáo, nhưng không có bằng chứng rõ rệt nào được đưa ra.

Các nhà khoa học Australia thậm chí dự định tái tạo lại giống hổ Tasmania đã bị tuyệt chủng từ gene trong xương và răng của chúng tại các viện bảo tàng. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa thành công do sự đa dạng về di truyền của hổ Tasmania rất thấp.

Cập nhật: 23/02/2022 Theo Dân Trí
  • 2.511