Một trận bão cát lớn trong tuần quét qua hầu khắp khu vực Trung Đông, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và hàng trăm người phải nhập viện.
"Cơn bão cát lớn như trên được gọi là haboobs, hay "gió dữ' trong tiếng Arab. Haboobs có thể phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, di chuyển hàng nghìn km, thậm chí vượt qua cả Thái Bình Dương", Ken Waters, chuyên gia dự báo thời tiết ở Mỹ, cho biết.
Cơn bão cát, hay còn gọi là bão bụi, thổi qua Trung Đông hôm 7-8/9 làm giảm tầm nhìn, ảnh hưởng đến giao thông và khiến hàng nghìn người phải nhập viện do gặp phải vấn đề đường hô hấp tại nhiều khu vực ở Iraq, Syria, Lebanon, Ai Cập, Jordan, Israel, và Cyprus.
Cơn bão cát lớn bao trùm khắp Trung Đông, vào hôm 7-8/9. (Ảnh: NASA).
Các nhà khí tượng Lebanon cho rằng đây là cơn bão "chưa từng có" trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, Waters cho biết, bão cát là hiện tượng tự nhiên không phải hiếm gặp. Haboobs xuất hiện phổ biến nhất trong điều kiện thời tiết nóng và khô, thịnh hành ở hầu khắp khu vực Trung Đông trong mùa hè này. Hai yếu tố cần thiết để tạo ra cơn bão cát là bụi hoặc cát sẵn có trên bề mặt, và những cơn gió thổi liên tục mang những hạt này chuyển động.
Các nhà khoa học không biết chắc chắn tốc độ gió tối thiểu đề hình thành bão cát. Tốc độ gió ghi nhận ở những cơn bão cát cục bộ khá thấp, chỉ khoảng 32km/h. Một số cơn bão lớn hơn, chẳng hạn như cơn bão gây thiệt hại nặng nề cho hai thành phố Damascus (Syria) và Beirut (Lebanon) vào tuần này, cần tốc độ gió cao hơn để di chuyển xa hơn. Cơn bão cát tràn qua khu vực tương tự trong năm 2013 có tốc độ gió lên tới 97km/h.
Ở miền tây nước Mỹ, những cơn bão bụi xuất hiện phổ biến nhất giữa tháng 6 và tháng 9, trong điều kiện nóng, khô, khi lượng hơi ẩm trong không khí không đủ để ngăn cản các hạt bụi bốc lên. Những hoạt động xây dựng, trồng trọt của con người cũng góp phần tạo ra bụi gây nên cơn bão. Trong thập niên 1930, các hình thức canh tác lạc hậu đã gây nên những cơn bão bụi khổng lồ có tên là Dust Bowl ở khu vực Bắc Mỹ khiến hàng ngàn người mất nhà cửa.