Ở tuổi 90, ông Akira Iritani và nhóm nghiên cứu đã cấy thành công cấu trúc mô cơ của voi ma mút vào phôi thai chuột, mở ra hy vọng hồi sinh loài vật tuyệt chủng từ 4.000 năm trước.
Sau nhiều thập niên cố gắng, Akira Iritani, nhà sinh vật học 90 tuổi người Nhật, thừa nhận ông gần như đã bỏ cuộc. Nhưng đến năm 2012, khi biết tin phát hiện mẫu vật trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia vẫn được bảo quản tốt, ông đã tham gia vào quá trình nghiên cứu, theo CNN.
Chuyên san Scientific Reports vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy mẫu vật 28.000 tuổi là của một con voi ma mút con, được gọi tên "yuka". Đây chính xác là những gì ông Iritani tìm kiếm. Với thí nghiệm mang tính đột phá, nhóm nghiên cứu của ông đã hồi sinh thành công các tế bào cổ đại của Yuka.
"Tôi đã cố gắng tìm các tế bào voi ma mút trong 20 năm nhưng giờ đây khi đã 90 tuổi, tôi nghĩ rằng nên từ bỏ và chấp nhận cái chết. Tôi rất hạnh phúc với nghiên cứu mới này. Cảm giác như Yuka đang đợi tôi tìm thấy nó vậy", ông Iritani nói.
Mẫu vật voi ma mút con Yuka được trưng bày trong triển lãm ở Yokohama, ngoại ô Tokyo, ngày 12/7/2013. (Ảnh: AFP).
Các nhà khoa học Nhật Bản và Nga đã thu thập 88 cấu trúc giống như hạt nhân từ mô cơ của Yuka và chuyển chúng vào tế bào trứng chuột - đây là các tế bào có thể phân chia và hình thành noãn hay còn được gọi là tế bào sinh sản trong buồng trứng của giống cái.
Ông Iritani sau đó đã sử dụng kỹ thuật ghi hình tế bào sống để xem liệu các tế bào không còn hoạt động trong hàng nghìn năm có phản ứng hay không.
"Tôi đã nhìn dưới kính hiển vi vào ban đêm khi ở một mình trong phòng thí nghiệm. Tôi đã rất xúc động khi thấy các tế bào khuấy động. Tôi đã mong chờ điều này trong suốt 20 năm", ông nói.
Những con voi ma mút lông, có kích thước tương đương với voi châu Phi ở thời hiện đại, đã chết cách đây khoảng 4.000 năm.
Tuy nhiên, bước đột phá này không có nghĩa là nhóm nghiên cứu của ông Iritan có thể nhân bản voi ma mút.
Ở tuổi 90, nhà khoa học người Nhật Akira Iritani vẫn nỗ lực hồi sinh loài voi ma mút lông đã tuyệt chủng. (Ảnh: CNN).
Các tế bào của Yuka đã bị hủy hoại nghiêm trọng qua hàng nghìn năm. Nếu nhóm nghiên cứu lấy ADN voi ma mút thành công và đưa nó vào tế bào trứng voi đã loại bỏ ADN, họ vẫn cần các mẫu tế bào tốt hơn và công nghệ nhân bản cải tiến hơn.
"Thu thập trứng voi rất khó vì cần cân nhắc đến quyền lợi của động vật. Cho đến nay, chúng tôi đã xác nhận một số hoạt động trong phôi chuột, nhưng chúng tôi chưa có kế hoạch sao chép thử nghiệm với phôi voi", Kei Miyamoto, thành viên nhóm nghiên cứu tại Đại học Kindai, nói với CNN.
Iritani và nhóm của ông cũng nhận thức vấn đề đạo đức trong công việc. Tuy nhiên, ông cho rằng hiểu thêm về hiện tượng tuyệt chủng trong quá khứ sẽ giúp các nhà khoa học bảo vệ tốt hơn các loài có nguy cơ tuyệt chủng hiện nay.
"Một số loài động vật đã tuyệt chủng do hoạt động của con người. Nhiệm vụ của tôi là bảo tồn các loài động vật", ông khẳng định.