Nhờ tìm ra các vi khuẩn mới và môi trường thích nghi của chúng có thể ứng dụng để ngăn chặn dịch bệnh trong nuôi trồng nông, thủy sản.
Vẻ ngoài ưa nhìn, với chiều cao 1,8 mét, Nguyễn Việt Hùng (28 tuổi, Đại học New South Wales, Australia) còn gây ấn tượng với những nghiên cứu đặc biệt về các loài vi khuẩn mới và điểm 9.0 IELTS cho 3 kĩ năng: nghe, nói, viết.
Là nghiên cứu sinh trẻ, Hùng là người Việt duy nhất trong số 300 diễn giả có bài nghiên cứu được chọn trình bày trước hơn 2.000 đại biểu, nhà khoa học tại hội nghị chuyên đề lần thứ 17 về Sinh thái và Vi sinh vật (ISME17) vừa tổ chức tại Đức.
Nguyễn Việt Hùng phát biểu trong một sự kiện tại Australia.
Nghiên cứu đã phát hiện 8 loài vi khuẩn mới có ý nghĩa đặc biệt khi ứng dụng vào thực tế. Không chỉ phát hiện, Hùng còn tìm ra phương pháp hiểu cặn kẽ đặc tính để biết chúng có thể sống tốt nhất trong môi trường nào. Khi cần có thể cấy vi khuẩn để phát triển những yếu tố có lợi cho cây trồng, vật nuôi.
Như ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, các loài thủy sản nhóm giáp xác bị chết hàng loạt. Nguyên nhân ban đầu là do sự thay đổi môi trường, phù sa nên vi khuẩn hữu ích trong môi trường đó mất đi kéo theo sự suy thoái chức năng sinh thái. Những chất như hydrogen sulfate hay ammonia có thể tăng lên mạnh, giết hết thủy sản đang nuôi.
"Khi đó có thể ứng dụng nghiên cứu để cấy ghép vi khuẩn có lợi, sống được trong môi trường để tái tạo chức năng sinh thái cần thiết cho khu nuôi trồng", Hùng nói với PV.
Nếu có dịch bệnh do vi khuẩn gây ra, áp dụng công nghệ này có thể nhanh chóng tìm ra loài vi khuẩn nào gây bệnh. Công nghệ cũng cho phép phát hiện một lượng vi khuẩn lớn trong một lúc, với thời gian nhanh thay vì chờ nuôi trồng trong phòng thí nghiệm rồi xét nghiệm ADN của từng loài.
Phương pháp Hùng đã nghiên cứu cho phép tìm ra một môi trường riêng có tất cả ADN của các loài vi khuẩn. Có những con vi khuẩn lạ không thể tìm ra nhưng bằng công nghệ này cũng có thể phát hiện được.
Với phát hiện mới, nghiên cứu của Hùng được lựa chọn để báo cáo tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào cuối tháng 10 này.
Tại hội nghị ở Thượng Hải, Hùng cho biết sẽ công bố về những nghiên cứu liên quan đến con bọt biển. Đây là một ngành vi sinh vật (khoảng 50 loài vi sinh vật mới) có ảnh hưởng tới con bọt biển được nghiên cứu. Việc tìm ra mối liên kết giữa chúng với cơ thể động vật ký sinh tiếp tục chứng minh công nghệ mà Hùng tạo ra sẽ có thể chủ động trong việc cấy ghép vi khuẩn có lợi cho môi trường.
Sinh ra trong gia đình có ông ngoại và bố là nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông, mẹ làm ngành tài chính nhưng từ nhỏ Hùng luôn yêu thích và quan tâm đến ngành khoa học biển và sinh học.
Có lẽ tình yêu đó được nhen nhóm từ lúc 5 tuổi khi Hùng theo gia đình sang Nhật rồi hàng ngày được mẹ đưa đến thư viện làm bạn với sách. Mẹ Hùng thích sách nên đã mượn sách tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt rồi dạy cách cho con đọc. Cuốn truyện nào bà cũng yêu cầu con đọc mỗi ngày ba lần. Một ngày bình thường trong tuần Hùng được mẹ yêu cầu đọc ba cuốn, ngày nghỉ là mười cuốn. Dần dần Hùng mê sách từ lúc nào không biết.
Khi về Việt Nam, học lớp 2 ở trường quốc tế Hà Nội (Hanoi International School) Hùng đã mê nghiên cứu về các loài khủng long và động vật không xương. Lớn lên học đại học, cao học rồi tiến sĩ Hùng lại mải mê với những con vi khuẩn, tảo.
Tại Đại học Queensland, nơi Hùng học bằng cử nhân, do yêu cầu thực tế Hùng phải tập trung nghiên cứu di truyền học nhưng chàng trai trẻ vẫn dành thời gian để theo dõi các vấn đề phát triển trong lĩnh vực vi sinh học.
"Tôi đã nhận ra tầm quan trọng của sự linh hoạt đối với nhà nghiên cứu và quyết định đi sâu nghiên cứu nhiều ngành khác nhau để tăng cường kỹ năng và khả năng của mình. Tôi đã tiếp tục tham gia các khóa học về khoa học biển, học về lập trình và thống kê. Tất cả những học tập này đều chứng minh có giá trị và ý nghĩa vô cùng khi chúng hỗ trợ cho nhau trong các nghiên cứu của tôi", Hùng nói.
Nguyễn Việt Hùng cùng mẹ ruột trong ngày được công nhận trở thành công dân Australia ở tuổi 25. (Ảnh: NVCC).
Hoàn thành dự án nghiên cứu trong lĩnh vực gene, kiểm tra việc chuyển gene di truyền ngang của các yếu tố kháng kháng sinh trong các vi khuẩn Staphylococcus kháng methicillin, Hùng tốt nghiệp Đại học Queensland. Cũng từ đây Hùng nhận ra tiếng gọi sâu thẳm và đam mê thuộc về lĩnh vực sinh học.
Chuyển sang Đại học Macquarie ở Sydney, Hùng đã thử thách bản thân với việc nghiên cứu phản ứng của hàu ngọc trai đối với bệnh tật. Lúc này Hùng nhận được học bổng tiến sĩ của ba trường danh tiếng trên đất nước Australia trong đó có Melboume. Hùng từ chối cả ba trường này và chọn Đại học New South Wales tại thành phố Sydney để bắt đầu chương trình tiến sĩ và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Một ngày Hùng dành tới 9 tiếng cho việc nghiên cứu nhưng chàng trai trẻ cũng là gương mặt nổi bật trong cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Australia với các hoạt động xã hội và cộng đồng. Hùng kinh qua các vị trí Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Queensland; thủ lĩnh đội bóng chuyền tại Đại học Queensland; cố vấn Hội sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales Australia... "Đây là cách em cân bằng giữa nghiên cứu, học tập và các hoạt động xã hội để thấy cuộc sống ý nghĩa hơn", Hùng nói.
Thời gian tới nhà nghiên cứu trẻ muốn tìm ra các mối liên kết của vi khuẩn trên cơ thể chúng ký sinh là con người. Hùng muốn tìm những loài vi khuẩn để biết loài nào tốt, loài nào cần thiết để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe con người.
"Trên cơ thể mỗi người sẽ có bộ vi khuẩn khác nhau. Nếu hiểu rõ có thể tái tạo nhóm vi khuẩn có lợi cho sức khỏe của họ", Hùng nói và cho biết muốn được thiết lập nhóm nghiên cứu trẻ cùng lĩnh vực để có thể chia sẻ ý tưởng mới, hỗ trợ nhau, kết hợp thế mạnh của mỗi nhà nghiên cứu sẽ có kết quả lớn hơn cho xã hội.