Nhà vệ sinh tương lai, bồn cầu sẽ biết... bắt bệnh

  •  
  • 222

Những chiếc gương và toilet có thể phát hiện bệnh sớm, các loại vật liệu lót sàn có khả năng đo lường nguy cơ ngã của người dùng, đó là những gì có thể sẽ sớm hiện diện trong các nhà vệ sinh cao cấp tương lai.

Theo nhiều chuyên gia thiết kế và công nghệ, được thúc đẩy từ những lo ngại về sức khỏe, nhà vệ sinh tích hợp công nghệ trong vài thập niên tới sẽ trở nên phổ biến ở những ngôi nhà cao cấp tại Mỹ, báo Wall Street Journal nhận định về xu hướng này trong một bài báo gần đây.

Bồn cầu biết... bắt bệnh

Ông Thomas Serval, đồng sáng lập kiêm CEO của Công ty chuyên về công nghệ y tế Baracoda (Pháp), cho biết nhiều bệnh viện hàng đầu, khách sạn, và một số biệt thự siêu sang ở Trung Quốc đã và đang ứng dụng công nghệ nhà vệ sinh thông minh.

Bồn cầu đang ngày càng được cải tiến để đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu của con người
Bồn cầu đang ngày càng được cải tiến để đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu của con người - (Ảnh: The New York Times)

Theo ông Steve Scheer - chủ tịch Công ty công nghệ gia đình Brondell (Mỹ), nhà vệ sinh với các cải tiến có thể giảm bớt gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, đồng thời giúp người lớn tuổi có thể ở nhà an toàn.

Trong tương lai, nhiều chủ nhà sẽ muốn tìm một chiếc bồn cầu đa tính năng, như có thể tự làm sạch hay phân tích nước tiểu.

CEO Vik Kashyap của Toi Labs (công ty chuyên về nhà vệ sinh thông minh tại Mỹ) cho biết dựa trên việc phân tích chất thải bằng hóa chất, bồn cầu có thể phát hiện nhiều tình trạng bất ổn về sức khỏe như nhiễm trùng đường tiết niệu hay các vấn đề về thận.

Ông Kashyap cho biết công nghệ của Toi Labs đã được ứng dụng tại nhà vệ sinh của một số cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Bệ toilet của Toi Labs có tích hợp một camera hướng xuống, qua đó giúp phân tích chất thải bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Các cơ sở này trả cho Toi Labs mỗi tháng từ 45 - 65 USD (1,1 - 1,6 triệu đồng) cho mỗi bệ toilet, chi phí này đi kèm một báo cáo thường nhật.

Toi Labs dự kiến sẽ tích hợp công nghệ "mũi điện tử" giúp xác định những mùi là tín hiệu bệnh tật trong chất thải.

Họ cũng đang phát triển bệ toilet sử dụng nhiều loại ánh sáng chiếu vào da người, cho biết nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và lượng oxy trong máu. Toi Labs khẳng định các cảm biến của họ không ghi nhận hình ảnh bộ phận cơ thể và dữ liệu thu thập sẽ được ẩn danh.

Nhiều nhà sản xuất bệ toilet thông minh cũng đang phát triển công nghệ dùng tia cực tím và các chất tẩy rửa cho việc tự làm sạch của bồn cầu. Mỗi bồn cầu tự làm sạch có thể có giá khởi điểm khoảng 500 USD, hoặc cao hơn nhiều. Như bồn cầu Numi 2.0 của Kohler có chức năng khử trùng, ghế có sưởi và chế độ vòi xịt cá nhân có giá lên đến 8.600 USD.

Theo ông Bill Strang - lãnh đạo Công ty Toto USA, nhà sản xuất bồn cầu tự làm sạch ở Mỹ, các báo cáo cho thấy nhu cầu với loại vật dụng cao cấp này đang ngày càng tăng tại Mỹ trong 5 năm trở lại đây.

Hạn chế lãng phí nước

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), lượng nước xả thải trong nhà vệ sinh là rất lãng phí, chiếm gần 1/3 lượng nước sử dụng trong mỗi gia đình.

Tại nhiều nơi trên thế giới, nhà vệ sinh xả nước đang gặp khó khăn do biến đổi khí hậu gây hạn hán hay lũ lụt nghiêm trọng khiến hệ thống cống rãnh bị tắc hay tràn bể tự hoại, theo Đài CNN.

Ở những vùng thiên tai hoặc thiếu nước sinh hoạt, nhu cầu về một nhà vệ sinh sạch nhưng không cần nước đang ngày càng cấp bách.

Những giải pháp khác cho việc xử lý chất thải có thể mang lại nhiều lợi ích như phân được giữ lại có thể được chuyển đổi thành nhiệt, điện hay phân bón hữu cơ.

"Chất thải không chỉ là chất thải, nó là một nguồn tài nguyên", nghệ sĩ và kiến trúc sư người Phần Lan Arja Renell chia sẻ, đồng thời giới thiệu một cách tiếp cận mang tính tuần hoàn: nhà vệ sinh "khô". Theo bà Renell, "Huussi" trong tiếng Phần Lan là một kiểu nhà vệ sinh khô tách nước tiểu ra khỏi phân, và được thiết kế thông gió để tránh mùi hôi.

Ở Phần Lan, nhà vệ sinh khô đặc biệt phổ biến tại các ngôi nhà thôn dã. Sau khi "xong việc", người dùng sẽ phủ than bùn hoặc mùn cưa lên chất thải trong bồn chứa.

Sau khi bồn đầy, họ chuyển phân sang thùng chứa yếm khí lớn hơn trong vài tháng để vi sinh vật phân hủy tiếp. Phần còn lại sau phân hủy sẽ là vật liệu rất giàu nitơ và phốt pho, có thể dùng làm phân bón tự nhiên thay cho phân bón tổng hợp gây phát thải khí nhà kính.

Còn một loại bồn cầu không cần đến nước là bồn cầu đốt chất thải. Loại vật dụng này đã tồn tại trong vài chục năm qua, nhưng cho đến gần đây, các mẫu sản phẩm hiện có vẫn còn khá lớn, cồng kềnh và ồn ào.

Tuy nhiên, các tiến bộ công nghệ có thể khiến chúng trở nên phổ biến hơn. Giá bán loại bồn cầu này dao động từ 2.500 - 4.000 USD tùy thương hiệu, chưa bao gồm chi phí năng lượng vận hành.

"Gương kia ngự ở trên tường"

CEO Serval của Baracoda cho biết công ty này đang sở hữu CareOS - một hệ điều hành cho gương thông minh, loại thiết bị đang được kỳ vọng có thể kết nối người dùng với các chuyên gia y tế khi có thể phát hiện những bất thường về sức khỏe của chủ nhân.

Gương thông minh tích hợp AI cũng có thể đưa ra các đề xuất chăm sóc da được cá nhân hóa, đồng thời công nghệ thực tế tăng cường trong gương sẽ hướng dẫn người dùng các kỹ thuật "yoga mặt" hay thiền.

Công ty thiết bị y tế NuraLogix (Canada) gần đây giới thiệu sản phẩm gương để bàn có trang bị camera theo dõi lưu lượng máu trên mặt người dùng, qua đó xác định mức huyết áp và dự đoán các nguy cơ như đau tim, đột quỵ và tăng huyết áp.

Cập nhật: 22/04/2024 Tuổi Trẻ
  • 222