Những "bà tổ" của đảo quốc Madagascar

  •  
  • 1.048

Nghiên cứu mới cho thấy cư dân Madagascar là hậu duệ của khoảng 30 phụ nữ Indonesia, khi họ đến đó trên một con tàu đi lạc cách đây 1.200 năm.

Phát hiện trên phủ định giả thuyết trước đó, rằng một quá trình định cư quy mô lớn đã diễn ra trên đảo Madagascar, ngoài khơi bờ biển phía đông châu Phi. Theo đó, những thương nhân Indonesia qua lại dọc theo các bờ biển Ấn Độ Dương là những người đầu tiên định cư tại hòn đảo này.

Theo kết quả cuộc nghiên cứu quy mô về ADN được công bố trong chuyên san Proceedings of the Royal Society B số mới nhất, phần lớn người Madagascar bản địa ngày nay, gọi là người Malagasy, có thể là hậu duệ của 30 phụ nữ. Các chuyên gia đã tập trung vào ADN ty thể được truyền từ các bà mẹ cho con cái. Họ cũng đặt giả thuyết một số đàn ông sống chung với những người phụ nữ nói trên.

Ông Murray Cox, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học sinh học phân tử thuộc Đại học Massey (New Zealand), cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là cuộc định cư của một nhóm 30 phụ nữ Indonesia, và qua nghiên cứu di truyền chúng tôi thấy có một số đàn ông đi cùng nhưng chưa rõ số lượng bao nhiêu”.

Nghiên cứu mới cho rằng phụ nữ Indonesia là thủy tổ của cư dân Madagascar ngày nay
Nghiên cứu mới cho rằng phụ nữ Indonesia là thủy tổ
của cư dân Madagascar ngày nay - (Ảnh: Discovery)

Ông Cox và các cộng sự đã phân tích các mẫu di truyền của 2.745 cá nhân đến từ 12 nhóm đảo thuộc quần đảo Indonesia. Sau đó, họ so sánh kết quả với thông tin di truyền của 266 cá nhân từ 3 nhóm dân tộc Malagasy: những người săn bắt hái lượm Mikea, ngư dân bán du mục Vezo và nhóm người Andriana Merina. Nhiều người Malagasy mang gene có liên quan đến Indonesia. Quá trình kiểm tra ADN cho thấy chỉ 30 phụ nữ Indonesia tạo lập dân số Malagasy, cùng sự đóng góp về sinh học ít ỏi hơn nhiều từ châu Phi. Những phụ nữ Indonesia đã ăn ở với những người đàn ông đồng hương đi cùng, hoặc với đàn ông đến từ đại lục châu Phi.

Theo ông Cox, số lượng nhỏ phụ nữ Indonesia phù hợp với số hành khách trên tàu. Ông cho biết những tàu buôn Indonesia tiêu biểu trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên có thể chở khoảng 500 người. Indonesia ở cách Madagascar hơn 8.000 cây số, vì thế những người phụ nữ Indonesia và bạn tình của họ hẳn đã có một hành trình “mệt mỏi”, đặc biệt nếu đó là chuyến đi không được dự tính trước. “Kịch bản này có thể không đúng với nhóm nhỏ phụ nữ Indonesia. Thay vào đó, bằng chứng mới của chúng tôi thiên về một sự di chuyển nhỏ của con người, và có lẽ thậm chí là một hành động vượt Ấn Độ Dương ngoài ý muốn”, ông Cox nhận định.

Những bằng chứng khảo cổ học hiếm hoi, bao gồm một vài mẩu xương được đánh dấu bằng công cụ đá và một tỷ lệ cháy rừng gia tăng, cho thấy con người có thể đã đến thăm nhưng không định cư ở Madagascar cách đây khoảng 2.000 năm. Đó là một thời gian rất gần đây nếu xét đến lịch sử chung của nhân loại và Madagascar là một trong những nơi cuối cùng trên trái đất mà con người định cư.

Chuyên gia Matthew Hurles thuộc Viện Wellcome Trust Sanger cũng đã nghiên cứu di sản di truyền của người bản địa Madagascar. Ông và các cộng sự cũng ghi nhận sự liên quan đến Indonesia. “Người Malagasy là một sự kết hợp gần như 50:50 của 2 nhóm tổ tiên người Indonesia và người Đông Phi. Điều quan trọng là chúng ta đã nhận ra rằng những dòng giống này đã trộn lẫn với nhau trong những thế kỷ sau đó kể từ lúc định cư, vì thế người Malagasy hiện tại có tổ tiên ở cả Indonesia lẫn châu Phi”, ông nói.

Chuyên gia Cox kết luận: “Cần nhấn mạnh rằng Madagascar không phải là một “chiếc hộp bị niêm phong” sau cuộc định cư đầu tiên. Đã có những đóng góp đáng kể sau đó của những người châu Phi, Ả Rập và châu Âu. Tất cả những đóng góp này hiện diện trong ADN của người Malagasy ngày nay”.

Theo Thanh Niên
  • 1.048