Những bí ẩn khoa học vui (phần cuối)

  •  
  • 5.323

Vì sao mèo ghét bị ướt? Khi bị bắt đứng dưới vòi sen, mèo ta bỏ chạy không hẳn vì không thích nước, mà có thể là nó sợ. Các nhà khoa học tin rằng việc ít tiếp xúc với nước của mèo nhà - hầu hết là với các vòi nước bị rò rỉ và các bồn rửa bát - khiến chúng sợ bị trở thành miếng mút ướt.

Tổ tiên sống trên sa mạc của mèo nhà cũng có kinh nghiệm rất hạn chế đối với nước. Các nghiên cứu gene được thực hiện tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy họ hàng gần nhất của mèo nhà là những con mèo hoang dã từ châu Phi, châu Âu và mèo sa mạc Trung Quốc. Và ngay từ khi con người thuần hoá những chú mèo đầu tiên - bằng chứng sớm nhất có từ năm 9.500 trước - chủ nhân của chúng đã bảo vệ các con vật yêu của mình khỏi những yếu tố này.

(Ảnh: Popular Science)"Mèo không tiến hoá để làm quen với nước", nhà nghiên cứu hành vi động vật Katherine Houpt từ Trường Thú y thuộc Đại học Cornell nhận định.

Việc một chú mèo có thích nước hay không phụ thuộc không chỉ vào nơi sống, mà còn vào tương tác của nó với kẻ thù và con mồi, Jack Grisham, Giám đốc về sưu tầm động vật của vườn thú St. Louis, cho biết.

Sư tử sống trên các vùng khô hạn tránh tắm trong các dòng sông có cá sấu rình rập, còn loài báo ẩn mình trên cây, tránh xa nước và những kẻ ăn thịt bên dưới. Ngược lại, một vài con mèo trang trại được thuần hoá rất thích lảng vảng quanh các hồ để tìm kiếm cóc.

Và loài mèo chuyên bắt cá, sống ở các vùng đầm lầy từ Ấn Độ đến Indonesia, vồ mặt nước bằng chân và sau đó túm lấy con mồi bằng những cái vuốt có màng.

Người chủ cũng có thể huấn luyện mèo vượt qua nỗi sợ nước bằng cách tắm cho chúng khi còn nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết bác sĩ thú y không khuyến cáo điều này, vì chúng làm khô da con vật và làm mất đi các chất tiết cần thiết cho việc giao tiếp với các con khác. Ngoài ra, mèo có đầy đủ phương tiện hỗ trợ để tự làm sạch lông mình: nước bọt của nó chứa một chất tẩy rửa tự nhiên để làm giảm dầu mỡ, và cái lưỡi có ngạnh giống như lược sẽ loại bỏ các chất bẩn.

Mặc dù vậy, một số con mèo vẫn rất thích nước. "Chúng thực sự chơi với nước", Houpt nói.

Những bí ẩn khoa học vui (phần 1)
Những bí ẩn khoa học vui (phần 2)
Những bí ẩn khoa học vui (phần 3)

Những bí ẩn khoa học vui (phần 4) 
Những bí ẩn khoa học vui (phần 5)

T. An

Theo Popular Science, Vnexpress
  • 5.323