Những cảm nhận về cuộc “gặp gỡ” cuối cùng

  •  
  • 296

Sau sáu lần tổ chức, Hội nghị vật lý Gặp gỡ Việt Nam đã chia tay “không hẹn ngày tái ngộ” vì cả hai đồng chủ tịch hội nghị là GS Trần Thanh Vân và Nguyễn Văn Hiệu tuyên bố đây sẽ là hội nghị cuối cùng của họ. Được đánh giá là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay và là cơ hội hiếm hoi cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với nền khoa học thế giới, nhưng liệu các nhà vật lý Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này?

Cuộc gặp gỡ cuối cùng…

Các nhà khoa học trẻ Việt Nam trao đổi với nhà khoa học nước ngoài.

Các nhà khoa học trẻ Việt Nam trao đổi với nhà khoa học nước ngoài. (Ảnh: ND)

Gặp gỡ Việt Nam được giới khoa học xem là một "thương hiệu" mà GS Trần Thanh Vân gây dựng nên từ năm 1993 với sự giúp đỡ nhiệt tình của người bạn lớn của ông, GS Nguyễn Văn Hiệu. Các nhà khoa học trên thế giói khi tham gia hội nghị này không chỉ để trình bày báo cáo hay tiếp nhận kiến thức mới như các hội nghị vật lý quốc tế khác, mà còn để gặp gỡ trao đổi, bàn việc hợp tác trong tương lai, và quan trọng hơn là để xem họ có thể giúp đỡ gì cho các nhà khoa học Việt Nam. Đó cũng chính là ý nghĩa của hai từ “gặp gỡ” (nguyên văn tiếng Pháp: Rencontre).

Chỉ cần nghe đến "thương hiệu" này, nhiều nhà vật lý nổi tiếng thế giới đã ngay lập tức ghi tên mình khi được mời tham gia, có nhiều người trong số họ đã không bỏ sót một cuộc gặp gỡ nào trong suốt 14 năm qua, mặc dù chi phí cho chuyến đi khá đắt đỏ khi phải tới một đất nước châu Á xa xôi và ở trong những khách sạn năm sao. GS Vân cho biết, tất cả những nhà khoa học đến với hội nghị đều vì họ thấy cần thiết cho chính bản thân mình, xin đăng ký và tự nguyện đóng góp chi phí. Ban tổ chức chỉ đài thọ vé máy bay cho những nhà vật lý đoạt giải Nobel, nhưng có người trong số họ còn từ chối nhận khoản tài trợ này với lý do để số tiền này để giúp đỡ các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Để tạo nên thương hiệu đó, GS Trần Thanh Vân đã phải có kinh nghiệm từ 40 năm tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Moriond ở Pháp. Nhờ tài tổ chức chuyên nghiệp và uy tín trong giới nghiên cứu vật lý quốc tế mà ông đã tạo cho các nhà khoa học Việt Nam những cơ hội hiếm hoi tiếp cận khoa học tiên tiến.

Nhưng năm nay, GS Trần Thanh Vân vì tuổi cao đã bàn giao vị trí tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Moriond ở Pháp và cũng tuyên bố rút lui khỏi vị trí đồng chủ tịch Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam.

GS Vân tâm sự, mọi người cứ nghĩ rằng việc tổ chức này rất dễ dàng nhưng sự thật không phải như vậy. Ông lấy ví dụ, GS vật lý đoạt giải Nobel James Cronin đã đến với Hội nghị Moriond từ năm 1971, lúc ông còn chưa thành danh. Sau đó, mỗi lần được GS Vân mời, ông đều không nề hà từ chối tham gia. GS Vân tổ chức thành công những hội nghị vật lý lớn đó chính là nhờ uy tín cá nhân mà không phải bất cứ nhà tổ chức nào cũng có được. Ông nói, hội nghị Gặp gỡ Việt Nam không phải là một công ty để có thể bán hay chuyển giao cho người khác, nhưng ông mong rằng sẽ có những người đủ khả năng đứng ra tổ chức những hội nghị tiếp theo.

GS Trần Thanh Vân, tác giả của Gặp gỡ Việt Nam
GS Trần Thanh Vân, tác giả của Gặp gỡ Việt Nam (Ảnh: ND)
Đồng chủ tịch hội nghị là GS-VS Nguyễn Văn Hiệu lúc trao đổi với giới báo chí trong ngày kết thúc hội nghị cũng cho biết, đây là hội nghị cuối cùng ông ngồi ở vị trí đồng chủ tịch. Ông nói: Tôi đã già, đã đến lúc phải nghỉ ngơi. Nếu có hội nghị tiếp theo, tôi sẽ tham gia nhưng với tư cách là người trình bày báo cáo chẳng hạn.

Không bỏ sót một cuộc Gặp gỡ Việt Nam nào, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, làm việc tại Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) nói: “Trong phương diện tổ chức, không có một người Việt Nam nào có thể giỏi như GS Trần Thanh Vân. Ông đúng là “tài sản quốc gia”. Để nối tiếp công việc của ông rất khó và tôi nghĩ không ai có thể làm được”. Nhưng anh cũng hy vọng, hội nghị sẽ vẫn được tổ chức ở một dạng khác, quy mô nhỏ hơn và không thường xuyên như bây giờ, hoặc chỉ gói gọn vào những đề tài nhỏ. Một người không làm được nhưng có thể mười người cùng hợp sức lại thì sẽ làm được.

Là một người về phía Việt Nam tham gia trong ban tổ chức hội nghị, PGS Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cũng cho rằng những hội nghị Gặp gỡ Việt Nam gắn bó chặt chẽ với tên tuổi của GS Trần Thanh Vân nên thiếu ông sẽ rất khó khăn. Nhưng anh tin rằng GS Trần Thanh Vân sẽ cố gắng vận động Chính phủ Pháp và các tổ chức quốc tế tiếp tục ủng hộ và tài trợ cho hoạt động này. Theo PGS Võ Văn Thuận, dù người nào đứng ra tổ chức đi nữa nhưng với sự cố vấn của GS Trần Thanh Vân thì sẽ có khả năng duy trì được.

Đánh giá về hội nghị: Những cảm nhận khác nhau

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những nhà khoa học tham gia Gặp gỡ Việt Nam đều đánh giá cao chất lượng của hội nghị lần này và những giá trị mà nó mang lại cho nền khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi người đứng ở những góc độ cảm nhận khác nhau.

Kết thúc hội nghị, GS James Cronin nhận xét: “Hội nghị đã quy tụ được các nhà vật lý hàng đầu thế giới, và tại đây chúng tôi đã nghe trình bày về những kết quả mới nhất trong lĩnh vực vật lý nano và vật lý thiên văn. Chúng tôi ở Việt Nam trong cả một tuần, do vậy chúng tôi có rất nhiều cơ hội trao đổi, tranh luận, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam. Tôi cho rằng hội nghị rất thành công và tôi rất hài lòng”.

TS Nguyễn Trọng Hiền cũng nhận định: Không nghi ngờ gì nữa, những bài toán được trình bày tại hội nghị này là những kiến thức tiên tiến nhất của vật lý thế giới.

Phỏng vấn GS James Cronin

Phỏng vấn GS James Cronin (Ảnh: ND)

Về phía những nhà khoa học Việt Nam, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, đối với ngành vật lý Việt Nam, hội nghị này có tác động rất to lớn. Mọi người đến với hội nghị nhận được rất nhiều thông tin và biết được nền vật lý Việt Nam đang đứng ở đâu. Trước hội nghị này, mọi người đều có thông tin nhất định, nhưng do ở Việt Nam, tạp chí khoa học còn quá ít, do đó không nắm được thông tin một cách đầy đủ, mỗi người chỉ biết được một phần. Tại hội nghị này các nhà khoa học trình bày rất nhiều vấn đề, cho thấy đầy đủ hơn bức tranh vật lý trên thế giới.

GS, TS Phan Hồng Khôi, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam đánh giá: Trong các Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam, đây được xem là Hội nghị lớn nhất vì có sự kết hợp của hai hội nghị nhỏ về vật lý nano và thiên văn. Lâu nay trong nước chúng ta đã tổ chức một số hội nghị về vật lý nano và công nghệ nano, nhưng có lẽ đây là hội nghị lớn nhất với số lượng rất đông các nhà khoa học quốc tế đến từ những nước có trình độ nghiên cứu cao như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cũng chưa có nghị nào kéo dài đến sáu ngày như lần này, thông thường chỉ khoảng 3,4 ngày, có nhiều báo cáo rất hay được trình bày tại hội nghị lần này.

“Tôi cho rằng nên duy trì những hội nghị như thế này vì nó có ích. Có nhiều người nghĩ rằng nó quá xa vời so với tầm của nền khoa học Việt Nam nên gây những tốn kém vô bổ. Nhưng theo tôi, sự tốn kém này chẳng thấm vào đâu so với những hiệu quả nó mang lại cho giới khoa học Việt Nam. Có những người Việt Nam nghĩ rằng sẽ không bao giờ giới khoa học Việt Nam được tiếp xúc với những nhà khoa học đoạt giải Nobel, nhưng rõ ràng chúng ta vừa được gặp và nói chuyện với những người như vậy tại hội nghị này”,
PGS Võ Văn Thuận nhận định.

Theo anh, với mỗi nhà khoa học Việt Nam, những giá trị mà hội nghị mang lại cho họ là ở những mức độ khác nhau. Những người quan tâm am hiểu thì thấy rất bổ ích. Những người không quan tâm cũng thì ngồi nghe cũng thấy rất thú vị tuy họ sẽ không hiểu hết được. Bản thân anh là người chuyên nghiên cứu vật lý hạt cơ bản và tham dự hội thảo với nhóm các nhà vật lý thiên văn hạt nhưng anh cũng chưa bao quát được hết những nội dung các nhà khoa học trình bày trong lĩnh vực này.

Được biết, tham gia hội nghị lần này có 70 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực vật lý nano. Họ đều là những người đang làm việc cho chương trình công nghệ nano quốc gia. Trong lĩnh vực thiên văn hạt thì người Việt Nam tham gia ít hơn, chỉ có 18 người từ ba nhóm: nhóm Pierre Auger, nhóm vật lý hạt cơ bản của GS Nguyễn Mộng Giao ở TP Hồ Chí Minh và nhóm Phòng thiên văn của ĐH Sư phạm Hà Nội.

Là người chỉ huy nhóm các nhà khoa học Việt Nam tham gia dự án Pierre Auger về tia vũ trụ do GS Cronin giới thiệu, anh Võ Văn Thuận cho biết nhóm của anh đặc biệt quan tâm đến những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của nhóm Pierre Auger trên toàn thế giới mà Việt Nam là một trong 14 thành viên. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất của hội nghị thiên văn hạt.

GS Phan Hồng Khôi cho biết, tham gia đông đảo hơn trong lĩnh vực vật lý nano, các nhà vật lý Việt Nam đã trình bày một số báo cáo tương đối có giá trị trong điều kiện nghiên cứu khó khăn của Việt Nam. Bên cạnh đó còn có một số công trình nghiên cứu chung được phối hợp thực hiện giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó phần do người Việt Nam thực hiện là chủ yếu.

GS Khôi cho biết thêm, qua hội nghị lần này, GS Lee, Phó Chủ tịch Hội vật lý Hàn Quốc, Giám đốc một phòng thí nghiệm rất lớn về vật lý nano đã nhận một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu và học tập.

Là chuyên gia trong lĩnh vực vật lý sinh học, anh Trịnh Xuân Hoàng thuộc Viện Vật lý nói: Tuy hai chủ đề được bàn trong hội nghị này (công nghệ nano và vật lý thiên văn) không liên quan trực tiếp tới lĩnh vực nghiên cứu của tôi, nhưng tôi vẫn đến tham gia để có cơ hội biết thêm thông tin.

Tuy nhiên, cũng có những nhà khoa học nước ngoài, đến Việt Nam với tâm nguyện tìm cách giúp đỡ các nhà khoa học Việt Nam một cách thiết thực, nhưng vẫn băn khoăn chưa làm được gì nhiều, vì theo họ các nhà khoa học Việt Nam tham gia ít quá.

“ Đừng để người ta bỏ mình mất hút…”

GS-VS Nguyễn Văn Hiệu: "Đừng để người ta bỏ mình mất hút...”.

GS-VS Nguyễn Văn Hiệu: "Đừng để người ta bỏ mình mất hút...”. (Ảnh: ND)

Với kinh nghiệm của những người đứng ra tổ chức những hội nghị này nhằm giúp những nhà khoa học trong nước có cơ hội tiếp cận với nền khoa học thế giới, hai vị đồng chủ tịch Gặp gỡ Việt Nam kỳ vọng nhiều hơn vào những gì mà giới khoa học Việt Nam thu nhận được.

Các nhà khoa học Việt Nam có tiếp cận được những kiến thức mới hay không thì chúng ta không thể biết được trong ngày một ngày hai. Vấn đề cốt lõi là trong những năm tiếp theo họ có tận dụng được những kiến thức đó để đi xa hơn không. Họ nghe trình bày báo cáo không chỉ để biết, mà nghe để suy nghĩ trong những công trình mới nhất được trình bày có điều gì chưa rõ ràng để từ đó đi sâu nghiên cứu đưa ra những giải pháp tốt hơn, GS Trần Thanh Vân nói.

Quả là nếu chỉ nghe để biết về cái mới, cái hay thôi chưa đủ, vì cái mới hôm nay thì ngày mai sẽ cũ. Nếu không có chí sáng tạo thì suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Việt Nam chỉ có thể đủ thời gian để học những cái mới mà không làm được việc gì ý nghĩa hơn.

GS Vân cũng tỏ ra không hài lòng với những bạn trẻ đến với hội nghị mà chỉ biết túm năm tụm ba, không chịu khó năng động tìm kiếm những cơ hội tiếp xúc, học hỏi cho mình. “Tôi chỉ biết tạo điều kiện cho họ, nhưng họ có tận dụng được không lại phụ thuộc vào chính họ”, GS nói.

Học được cái mới để nhận thấy mình phải tăng tốc, nỗ lực. Chưa nói đến việc sánh vai, khẩu hiệu của những nhà vật lý Việt Nam là “đừng để người ta bỏ mình mất hút”, GS-VS Nguyễn Văn Hiệu nhận định. Nguy cơ của nền vật lý Việt Nam là sắp “mất hút bóng” của những nền khoa học tiên tiến. Chúng ta phải làm thế nào để đi sau người ta nhưng vẫn thấy “bóng” của họ để đi theo, GS Hiệu ví von một cách hình tượng.

Là người am hiểu trong lĩnh vực vật lý nano, GS Phan Hồng Khôi cũng cho rằng: Không thể theo kịp tất cả được vì chúng ta còn nghèo, đầu tư cho công nghệ nano rất thấp. Hầu hết các nước phát triển tiên tiến đều có chương trình quốc gia về phát triển công nghệ nano, nước ta chưa có. Chúng ta mới chỉ khởi xướng từ công nghệ nano trong vật lý, sau đó là hóa học. Cách đây một vài năm Bộ khoa học - Công nghệ có đưa ra một chương trình ưu tiên cho công nghệ nano nhưng kinh phí đầu tư còn hạn chế.

Vì thế, các nhà khoa học Việt Nam chỉ tập trung vào những vấn đề có khả năng thực hiện được ở Việt Nam, vừa tiếp cận được trình độ thế giới. Công nghệ nano bao trùm tất cả các ngành không chỉ trong vật lý, đồng thời dựa trên những công nghệ cũ. Các nhà khoa học Việt Nam trong trường ĐH đã chế tạo được những sợi nano giống như ở nước ngoài. Nhưng để đạt được trình độ quốc tế chúng ta còn phải đầu tư nhiều hơn nữa, đặc biệt là đào tạo thế hệ các nhà khoa học trẻ có năng lực.

Còn trong lĩnh vực thiên văn, chúng ta đang đi từ con số không, nên sự kỳ vọng của hai vị GS lại càng xa vời hơn nữa. Nhưng dù sao chúng ta vẫn hy vọng sẽ còn có những hội nghị vật lý quốc tế lớn như thế này được tổ chức đều đặn ở Việt Nam để đừng bao giờ nền khoa học Việt Nam bị “hút bóng”.

HỒNG VÂN - TRƯỜNG SƠN

Theo Nhân dân
  • 296