Những chuyến di cư vĩ đại

  •  
  • 3.031

Rùa lưng da vượt quãng đường hơn 20.000 km để kiếm ăn, còn nhạn biển Bắc Cực thường xuyên vượt quãng đường hơn 80.000 km để thay đổi chỗ ở.

Nhiều loài động vật di chuyển hàng nghìn km mỗi năm để tìm kiếm thức ăn và kết đôi. Dưới đây là một số loài có những cuộc hành trình dài nhất theo bình chọn của Newscientist.

Nhạn biển Bắc cực

Nhạn biển Bắc Cực. Ảnh: Newscientist.

Chim là loài vật di trú nổi tiếng nhất và trong số đó quán quân thế giới chính là nhạn biển Bắc cực Sterna paradisaea. Hàng năm, chúng bay suốt chặng đường từ nơi cư trú mùa hè là Greenland và Iceland đến biển Weddell ngoài khơi Nam Cực. Vì nhạn biển Bắc Cực bay theo đường vòng nên nhiều khi chúng phải vượt qua quãng đường dài tới 81.600 km một năm.

Nhạn biển Bắc cực có một lợi thế lớn: chúng là loài chim biển nên có thể kiếm ăn trong quá trình di chuyển. Những loài chim trong đất liền không có may mắn đó.

Choắt mỏ thẳng đuôi vằn

Choắt mỏ thẳng đuôi vằn. Ảnh: Rex Features.

Trong số các phân loài của choắt mỏ thẳng đuôi vằn thì loài bay bền bỉ nhất là Limosa lapponica baueri di cư từ Alaska đến Australia và New Zealand.

Là một loài chim trên đất liền nên chúng không thể kiếm ăn trên biển. Vì vậy cuộc hành trình dài 11.000 km không ngừng nghỉ chỉ được kéo dài từ 6 đến 8 ngày. Để hoàn thành chuyến đi, chúng phải làm tiêu bớt một phần ruột, gan và thận để giảm bớt khối lượng rồi sau sẽ tái tạo lại. Đây là chuyến bay liên tục, không dừng lại để kiếm ăn dài nhất trong thế giới động vật.

Một nghiên cứu mới đây cũng khẳng định rằng kỷ lục của loài choắt mỏ thẳng đuôi vằn sẽ khó có thể bị phá vỡ.

Cá voi lưng gù

Cá voi lưng gù. Ảnh: blogspot.com.

Trong số các loài có vú, nắm giữ kỷ lục về chuyến di trú dài nhất là cá voi lưng gù Megaptera novaeangliae. Chúng dành cả mùa hè để kiếm ăn trong những vùng biển gần cực lạnh giá rồi bơi đến những vùng nước ấm nhiệt đới để nuôi con trong suốt mùa đông.

Đến mùa đông, loài cá voi lưng gù di cư lên phía bắc đến Costa Rica qua quãng đường dài 8.300 km.

Cá voi lưng gù đực hát trong khi bơi - có thể là để thu hút con cái. Con đực thay đổi độ cao của giọng để đảm bảo con cái vẫn có thể nghe được ở khoảng cách xa. Đồng thời, chúng cũng di chuyển chậm lại, kéo dài chuyến hành trình để kết đôi được với nhiều con cái.

Rùa lưng da

Rùa lưng da. Ảnh: graphicshunts.com.

Rùa biển là một loài phi thường trong số những loài bò sát di trú. Năm 2008, người ta đã ghi nhận được một con rùa lưng da băng qua Thái Bình Dương. Từ một bãi biển làm tổ ở Papua (Indonesia), nó bơi hướng về phía đông để đến nơi kiếm ăn ngoài khơi bang Oregon (Mỹ) rồi quay lại. Chuyến vượt biển này dài ít nhất 20.558 km. Đây là quãng đường di cư dài nhất của một loài bò sát từng được ghi nhận.

Nếu không đủ thức ăn, rùa lưng da sẽ bơi xuống sâu hơn 600 m theo rìa của những rặng núi ngầm và sườn lục địa. Đây là độ sâu sâu mà chưa có bất kỳ loài bò sát nào đạt tới.

Theo VnExpress
  • 3.031