Những hiện tượng tự nhiên có sức mạnh hủy diệt nhất

  •   4,73
  • 3.954

Bão, động đất, phun trào núi lửa là những hiện tượng tự nhiên ẩn chứa nguồn năng lượng khổng lồ, có thể gây ra thảm họa tồi tệ cho con người.

Bão

Một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại là bão Haiyan đổ bộ vào Philippines năm 2013, với sức gió 314km/h, theo IFL Science. Ở Tây bán cầu, Patricia là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Mexico năm 2015 với sức gió cực đại 325km/h.

Ảnh vệ tinh của siêu bão Haiyan.
Ảnh vệ tinh của siêu bão Haiyan. (Ảnh: NOAA).

Năm 1961, siêu bão Nancy, một xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương, có vận tốc gió cao nhất trong lịch sử, khoảng 346km/h. Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) ước tính cơn bão giải phóng mức năng lượng trung bình khoảng 600 nghìn tỷ jun (J) mỗi giây trong đám mây gây mưa và 1,5 nghìn tỷ J dưới dạng động năng của gió.

Trên thực tế, những cơn bão trung bình tạo ra mức năng lượng tương đương 600 triệu cú sét mỗi giây.

Động đất

Ngày nay, các nhà khoa học đo sức mạnh của chúng dựa trên thang độ lớn mô-men (Mw). Trận động đất mạnh nhất trong lịch sử diễn ra vào ngày 22/5/1960 tại miền nam Chile với độ lớn 9,5 Mw, giải phóng năng lượng khoảng 8,3 tỷ tỷ J chỉ trong vài giây.

Phun trào núi lửa

Một số núi lửa phun trào có thể hình thành những cột khói bụi và dung nham khổng lồ. Núi lửa St. Helens nổi tiếng với vụ phun trào khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong lịch sử nước Mỹ năm 1980. Tro bụi từ vụ phun trào trải rộng gần 1.600km, khiến 57 người tử vong. Ngọn núi lửa tiếp tục thức giấc năm 2004, phun ra cột tro bụi cao trên 9.000m.

Núi lửa Calbuco, Chile, phun trào tháng 4/2015.
Núi lửa Calbuco, Chile, phun trào tháng 4/2015. (Ảnh: IFL Science).

Vụ phun trào núi lửa mạnh nhất trong 500 triệu năm qua được cho là xảy ra tại La Garita, siêu núi lửa đã ngừng hoạt động ở Colorado, Mỹ. Cách đây 28 triệu năm, núi lửa này phun ra 5.000km3 khói bụi và dung nham chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày, đủ để chôn vùi tiểu bang California dưới 12m tro bụi, với năng lượng giải phóng vào khoảng 1.050 tỷ tỷ J.

Va chạm với tiểu hành tinh

Khi sao chổi hoặc tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất, chúng có thể gây ra bão lửa, sóng thần khổng lồ, làm thay đổi nhiệt độ toàn cầu. Khói bụi từ vụ va chạm che lấp ánh sáng Mặt Trời, ngăn cản quá trình quang hợp của cây xanh, tiêu diệt toàn bộ chuỗi thức ăn.

Sự sống trên Trái Đất bị đe dọa nếu va chạm với tiểu hành tinh có kích thước lớn.
Sự sống trên Trái Đất bị đe dọa nếu va chạm với tiểu hành tinh có kích thước lớn. (Ảnh: Alamy).

Một tiểu hành tinh đường kính 10km trong quá khứ có thể là thủ phạm tiêu diệt toàn bộ loài khủng long va chạm với Trái Đất, giải phóng năng lượng 543.000 tỷ tỷ J, gấp 1.000 lần so với năng lượng mà một cơn bão tạo ra trong suốt một ngày.

Theo các nhà khoa học, Mặt Trăng hình thành sau vụ va chạm giữa Trái Đất thuở sơ khai với một hành tinh nhỏ tên là Theia cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.

Cập nhật: 20/09/2016 Theo VnExpress
  • 4,73
  • 3.954