Những ông bố tốt nhất thế giới

  •   4,52
  • 3.828

NatGeo giới thiệu hình ảnh những ông bố tận tụy với con nhất trong thế giới động vật, nhân Ngày của Cha (ngày chủ nhật thứ ba của tháng Sáu). 

Cú sừng dài rất phổ biến ở Nam và Bắc Mỹ, rất tận tụy trong vai trò chồng và cha. Vào mỗi cuối đông, khi bạn tình của nó bận nằm trong tổ ấp hai hoặc ba quả trứng, con đực bay đi kiếm mồi cho cả hai. Nó mang chuột và sóc nhỏ về tổ. Khi trứng cú nở thành con non, công việc của ông bố vất vả hơn bao giờ hết, nó phải kiếm thêm cho đủ ba miệng ăn nữa. 

Chim hồng hạc là những ông chồng đáng yêu và bố tận tụy. Mặc dù sống thành đàn gồm hàng trăm nghìn con, hồng hạc vẫn sống theo lối một vợ một chồng. Hồng hạc đực tháp tùng vợ một cách đầy trách nhiệm khi nàng tìm chỗ làm tổ, sau đó giúp vợ xây những chiếc tổ xinh xắn bằng đất sét. Cả hai thay nhau ấp trứng và bảo vệ tổ, và cùng chăm sóc con non.

Cáo đỏ là những ông bố đầy trách nhiệm, chơi đùa vui vẻ với các con non và đi kiếm thức ăn cho cả nhà. Ba tháng sau khi chào đời, các con non phải tự kiếm thức ăn. Cáo bố không để cho các con mình bị đói, nhưng nó thường giấu sẵn thức ăn gần lũ con, để dạy cho chúng cách đánh hơi tìm mồi.

Cá ngựa không chơi đùa với các con hay giúp chúng làm bài tập. Nhưng cá ngựa làm một việc phi thường hơn cả những người cha - chúng đẻ ra con. Cá ngựa là một trong số ít ỏi những sinh vật trên trái đất mà con đực mang thai. Chúng thường sống ở những vùng nước ấm gần bờ và nhiệt đới.

Chim cánh cụt hoàng đế thường sống ở vùng băng giá Nam cực. Mỗi mùa sinh sản, chim cái đẻ trứng rồi để đó ra biển tìm kiếm thức ăn. Tất nhiên, nhiệm vụ ấp những quả trứng quý giá đó trút lên vai - hay nói đúng hơn là lên bàn chân - của những con đực.

Các ông bố cánh cụt hoàng đế đứng và bảo vệ trứng trong vòng hai tháng. Suốt thời gian đó, chúng không ăn gì, vì thế sức khoẻ của các ông phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên ở Nam cực. Khi con non nở ra, chim bố cho chúng ăn bằng sữa tiết ra từ thực quản của bố. Cho đến khi chim mẹ trở về với cái bụng đầy thức ăn, chim bố mới được ra biển kiếm cái gì đó nhét vào dạ dày.

Ếch Oreophryne thường sống ở Papua, New Guinea. Ếch bố có nhiệm vụ ấp ếch non. Hằng đêm, chúng ôm túi ếch con để giữ độ ẩm và bảo vệ con khỏi những kẻ ăn thịt.

Sư tử châu Phi đực là một ông bố khó hiểu, đôi khi đầy trách nhiệm nhưng nhiều lúc lười chảy thây. Chúng thường nằm ì trong bóng râm, không thèm ngó ngàng đến những con non trong khi các bà vợ phải liều mình đi kiếm mồi. Mỗi khi vợ mang thức ăn về, chúng liền có mặt và khẳng định quyền được xơi trước tiên, lắm khi chén hết chỉ để lại tí xương xẩu cho vợ và con.

Thế nhưng khi sự an nguy của gia đình bị đe dọa, bản năng làm cha của sư tử châu Phi trỗi dậy. Khi đó chúng sẽ trổ hết sự hung hãn nổi tiếng của mình để bảo vệ đàn, gồm khoảng chục con sư tử cái và hơn 20 sư tử con.

Gorilla lưng bạc đực thường đóng vai trò của gia trưởng. Là chủ một đại gia đình có đến 30 thành viên, chúng đảm nhiệm việc dẫn dắt các con đi tìm thức ăn, giải quyết các tranh chấp trong bộ tộc và chiến đấu với các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là từ nhưng con gorilla đực khác. Thông thường kẻ thù thường ăn thịt các con gorilla lưng bạc nhỏ mỗi khi muốn chiếm một gia đình của đối phương.

Làm cha, gorilla lưng bạc chơi đùa nhiệt tình với lũ con; nhưng cũng nhanh chóng trở nên hung tợn nếu con non nào tỏ ra bướng bỉnh hoặc muốn thách thức vai trò thống lĩnh của bố.


Nguồn: National Geographic

Theo VnExpress
  • 4,52
  • 3.828