Những tranh cãi về tượng Nhân sư ở Ai Cập

  •  
  • 4.205

Tượng Nhân sư trên cao nguyên Giza tượng trưng cho một sinh vật đầu người mình sư tử, bảo vệ lăng mộ của pharaoh Ai Cập.

Tượng Nhân sư, tảng đá nguyên khối được chạm khắc tinh tế trên nền đá vôi của cao nguyên Giza, là một trong những di tích nổi tiếng nhất còn sót lại của người Ai Cập cổ đại. Bức tượng mô tả một sinh vật huyền thoại với cái đầu của một người đàn ông và cơ thể sư tử, theo Ancient Origins.

Tượng Nhân sư trên cao nguyên Giza, Ai Cập.
Tượng Nhân sư trên cao nguyên Giza, Ai Cập. (Ảnh: Daniel Mayer).

Tượng Nhân sư được xây dựng vào triều đại thứ 4 của Vương Quốc Ai Cập Cũ (Old Kingdom) dưới thời cai trị của Pharaoh Khafre (2558 - 2532 trước Công nguyên). Đây cũng là khoảng thời gian Đại kim tự tháp Giza được xây dựng.

Theo truyền thuyết, tượng Nhân sư bảo vệ lăng mộ của những pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập kể từ năm 2500 trước Công nguyên. Nhưng thời gian gần đây, có nhiều cuộc tranh luận xoay quanh nguồn gốc và bản chất thực sự của bức tượng này.

Một số người tin rằng, bằng chứng về các rãnh xói mòn trên tượng Nhân sư cho thấy nó được xây dựng sớm hơn ước tính hiện nay hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Phần đầu của bức tượng không đối xứng nên ban đầu nó không phải là tượng Nhân sư mà là một con sư tử hoặc thậm chí thần đầu chó, Anubis.

Nhân sư là một nhân vật trong truyện thần thoại của người Hy Lạp và Ai Cập. Nó thường được miêu tả là có đầu người đàn ông, cơ thể sư tử và đôi cánh đại bàng. Nhân sư có thể là nam hoặc nữ, nhưng luôn có tính cách xảo quyệt và tàn nhẫn.

Thông thường trong truyện thần thoại, Nhân sư hỏi câu đố và người dân sẽ bị ăn thịt nếu trả lời không chính xác. Đôi khi nhân sư cũng tấn công cả một ngôi làng. Tượng Nhân sư ở Giza tượng trưng cho một sinh vật bảo vệ lăng mộ pharaoh, không cho phép bất cứ ai đi qua trừ khi họ trả lời đúng một câu đố.

Cập nhật: 13/02/2017 Theo VnExpress
  • 4.205