Đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, đặc biệt phải kể đến nguồn nhân lực trong ngành khách sạn, vốn đã chứng kiến sự gia tăng áp dụng công nghệ mới.
Trong khi đó, sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo đang gia tăng.
Covid-19 đang làm hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, trong đó phải kể đến nguồn nhân lực trong các ngành dịch vụ như khách sạn. Vào tháng 10, khoảng 11 triệu người Mỹ không có việc làm, cao hơn mức 6 triệu người thất nghiệp so với cùng thời điểm năm 2019.
Trong khi thị trường lao động chịu ảnh hưởng xấu từ Covid-19, tình hình kinh tế bấp bênh, robot đang trở thành mặt hàng được săn đón. Nhiều nhà sản xuất công nghệ cho biết lượng đơn đặt hàng robot tăng cao trong thời gian diễn ra đại dịch. Đó là các robot phục vụ, phần mềm được hỗ trợ bởi AI hoặc tăng cường sử dụng tính năng tự phục vụ tại siêu thị.
Robot vận chuyển hàng hóa trong kho của Amazon.
Trong khách sạn, robot có thể làm thủ tục check-in, phục vụ yêu cầu cơ bản của khách hàng như mang nước lên phòng, giải đáp thắc mắc của khách hàng hay nấu ăn. Quan trọng nhất, robot hoàn toàn miễn nhiễm với Covid-19. Vì vậy, trong khi nhiều người gặp khó khăn vì đại dịch, robot đang được trao cơ hội thay thế con người.
Báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng năm 2025, làn sóng tự động hóa được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 sẽ loại bỏ 85 triệu việc làm trên toàn cầu.
Đi cùng với đó, những việc làm mới sẽ được tạo ra nhưng “doanh nghiệp, chính phủ và người lao động phải có kế hoạch khẩn trương để tiến hành một tầm nhìn mới cho lực lượng lao động toàn cầu”.
Ngành khách sạn, vốn là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, đã chứng kiến sự gia tăng áp dụng công nghệ mới. Các khách sạn cho phép hành khách nhận phòng qua quầy tự động hoặc sử dụng robot phục vụ mỗi khi khách có nhu cầu.
Ron Swidler, Giám đốc Thông tin tại Tập đoàn tư vấn thiết kế và phát triển khách sạn Gettys Group cho biết: “Ngày càng nhiều khách sạn đang thử nghiệm công nghệ mới trong đại dịch. Chi phí tự động hóa đang giảm xuống, công nghệ cũng tiến bộ hơn. Chúng tôi nhận thấy sự đổi mới hoạt động hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới”.
Swidler lấy ví dụ về khách sạn FlyZoo thuộc Tập đoàn Alibaba là hình mẫu về các khách sạn trong tương lai. Theo đó, khách sạn sử dụng robot phục vụ và hệ thống điều khiển trí tuệ nhân tạo thay thế cho nguồn lao động thông thường.
Hành khách có thể tự động check-in trong vòng chưa đầy một phút, sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt để mở khóa phòng, điều khiển phòng bằng giọng nói.
Không chỉ ngành khách sạn, tài liệu do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia công bố vào tháng 9 chỉ ra rằng, công việc trong các ngành nghề được tự động hóa có thể được thay thế bằng công nghệ tân tiến hoặc có sẵn.
Trong khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, lễ tân khách sạn, tài xế đưa đón, nhân viên bán hàng ngành bán lẻ sẽ chịu nhiều áp lực.
Pepper, robot phục vụ đang trò chuyện với khách hàng.
Lei Ding, cố vấn kinh tế cấp cao của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Philadelphia cho biết: “Thời gian kiểm soát hoàn toàn Covid-19 càng lâu, khả năng công nghệ vĩnh viễn thay thế nguồn lao động càng lớn. Mất việc làm tạm thời sẽ trở thành mất việc làm vĩnh viễn”.
Hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp mất việc làm vĩnh viễn do đại dịch gây ra. Nhưng đã có những ví dụ về việc công nghệ “hẫng” việc làm từ tay người lao động.
Vào tháng 6, 500 nhân viên tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc dài 580km tại bang Pennsylvania đã bị sa thải. Bang chuyển sang thu phí tự động bằng phần mềm và thiết bị điện tử.
Trong nhiều năm, chính quyền Pennsylvania đã thảo luận về việc thay thế nhân viên thu phí bằng các trạm thu phí tự động nhưng thời gian dự kiến vào tháng 1/2022. Covid-19 đã đẩy nhanh tiến trình này.
Điều này phù hợp với nghiên cứu chỉ ra rằng tự động hóa không phát triển ổn định mà xảy ra theo từng đợt, thường dựa vào các cuộc suy thoái kinh tế. Sau khi trải qua những cú sốc kinh tế, các doanh nghiệp phải gia tăng tự động hóa để tăng năng suất.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Rochester đã làm một nghiên cứu vào năm 2016 qua việc tìm hiểu 87 triệu bài đăng tìm việc làm trực tuyến từ trước và sau cuộc Đại suy thoái. Họ nhận thấy người sử dụng lao động ở các thành phố chịu ảnh hưởng nặng bởi Đại suy thoái có xu hướng thay thế công nhân ít kỹ năng bằng các công nhân lành nghề hơn hoặc tăng cường sử dụng tự động hóa để tăng năng suất.
Trong khi tự động hóa có thể đem lại lợi ích cho nhóm nhân lực trình độ cao và giúp kích thích nền kinh tế, nó sẽ tác động mạnh đến những người lao động hưởng lương thấp. Họ không chỉ mất việc làm, bị giảm lương do tự động hóa mà còn do không thể đi làm.
Trong khi đó, nguồn lao động có mức lương và trình độ học vấn cao có thể làm việc linh hoạt như làm việc từ xa, làm việc tại nhà, tỷ lệ bị sa thải cũng giảm xuống.
Tuy nhiên, nhiều nhà robot học chỉ ra rằng, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) chưa đủ thông minh để gây ra làn sóng sa thải hàng loạt. Công nghệ AI mới có thể tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và nguồn lực để thiết lập, điều mà nhiều doanh nghiệp thiếu hụt trong đại dịch.
Daron Acemoglu, nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “AI có thể thúc đẩy con người năng suất hơn nhưng không thể thay thế con người nếu xã hội lấy con người làm trung tâm trong những tiến bộ công nghệ. Nhưng nếu chính phủ không quan tâm đến những người bị mất việc làm bằng cách đào tạo họ công việc mới, tự động hóa có thể để lại tác động trầm trọng và lâu dài”.