Những vụ phun trào núi lửa kinh hoàng nhất năm 2010

  •  
  • 5.175

Những cột tro bụi khổng lồ cao 11km, giao thông hàng không của một loạt các quốc gia phải đóng cửa, hàng nghìn người dân phải sơ tán trong hoảng loạn… đó là những nỗi kinh hoàng mà núi lửa đã tạo ra.

Trong số 64 ngọn núi lửa đang hoạt động trên toàn trái đất trong năm 2010, có những ngọn núi lửa và sức mạnh của nó thực sự là nỗi kinh hoàng với cuộc sống của con người ở các quốc gia mà nó đang tồn tại. Sự thức giấc của những ngọn núi lửa này đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống.

1.Núi lửa Eyjafjallajokull, Iceland

Ngày 21/3/2010, núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland đột ngột “tỉnh giấc” sau 200 năm ngủ yên. Sự phun trào dữ dội của nó đã tạo nên một cột tro bụi bốc cao 11km, làm gián đoạn một cách khủng khiếp giao thông hàng không khắp ở khắp các quốc gia Bắc Âu. Các nước Anh, Cộng hòa Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ, Đức và Hà Lan đều phải đóng cửa không phận. Nước Pháp cũng phải đóng cửa 24 sân bay ở phía bắc, trong đó có sân bay chính Paris-Charles de Gaulle.

Đến ngày 14/4, núi lửa Eyjafjallajoekull tiếp tục phun trào lần thứ 2 chỉ trong vòng một tháng và tiếp tục gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Trong lần phun thứ 2 này, một vết nứt rộng 500m đã xuất hiện trên miệng núi lửa. Chính quyền Iceland cũng đã phải tiến hành sơ tán dân để đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Đây được xem là sự thức giấc đầy kinh hoàng với giao thông hàng không Châu Âu vào thời điểm bấy giờ.

2.Núi lửa Mount Merapi, Indonesia

Ngày 31/10, núi lửa Merapi ở Indonesia bất ngờ phun trào nham thạch, gây nên những biển khói lớn và khiến hàng nghìn người dân tại khu vực này phải sơ tán trong cảnh hoảng loạn. Núi lửa đã phun trào nham thạch trong 46 phút và gây nên một cột khói bụi cao khoảng 1,6 km trên bầu trời. Tính riêng trong thế kỷ vừa qua, ngọn núi lửa Merapi đã cướp đi sinh mạng của 1.400.

3.Núi lửa Tungurahua, Ecuador

Núi lửa Tungurahua, Ecuador theo tiếng địa phương có nghĩa là “Họng lửa”, nằm cách thủ đô Quito khoảng 135km về phía đông nam. Đây được xem là núi lửa “dữ dằn” nhất của Ecuador. Vào ngày 4/12, núi lửa này đã phun trào trở lại. Khi Tungurahua hoạt động, các dòng khí và đá cực nóng, với tốc độ di chuyển nhanh, đã trôi xuống từ miệng núi lửa, gây nguy hiểm cho người dân tại các khu vực lân cận. Tro bụi từ miệng núi lửa bốc cao 2km lên bầu trời.

Người dân sống tại các khu vực chân núi đã chứng kiến sự rung chuyển của mặt đất và các tòa nhà và nghe thấy âm thanh sôi ùng ục từ núi lửa. Giới chức địa phương đã đặt khu vực xung quanh núi lửa trong báo động đỏ và sơ tán người dân sống trong bán kính 6,5km tính từ núi lửa. Vào tháng 5 trước đó, Tungurahua cũng đã hoạt động và khiến sân bay quốc tế tại thành phố lớn nhất Ecuador, Guayaquil, bị đóng cửa trong một ngày.

4.Núi lửa Pacaya, Guatemala

Núi lửa Pacaya, Guatemala bắt đầu phun trào dung nham và đá vào ngày 27/5. Một lượng tro bụi lớn đã tấn công vào thủ đô nước này buộc Guatemala phải đóng cửa sân bay quốc tế. Khoảng 2.000 người từ các ngôi làng gần núi lửa Pacaya đã được chuyển đến nơi trú ẩn. Ít nhất 800 ngôi nhà đã bị hư hại trong đợt phun trào đầu tiên. Một đợt phun trào thứ hai lúc giữa trưa ngày 28/5, từ độ cao 8.373 ft (2.550m) khiến cho thiệt hại trở nên nặng nề thêm.

5.Núi lửa Santiaguito, Guatemala

Ngày 26/4, núi lửa Santiaguito đã phun cát và tro bụi xuống vùng rộng lớn ở miền tây Guatemala, bao phủ và đe doạ phá huỷ mùa màng của 6 tỉnh nước này. Gió mạnh đã thổi tro bụi núi lửa lên phía đông bắc, bốc đám bụi khổng lồ từ độ cao 2.500m xuống. Chính quyền địa phương đã phải cho các trường ở ba tỉnh bị ảnh hưởng đóng cửa để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Núi lửa Santiaguito nằm ở tỉnh Quetzaltenango, cách thủ đô Guatemala City 206km về phía tây. Trước đây, Santiaguito phun trào nhiều đợt, đáng kể nhất là năm 1929 làm 5.000 người thiệt mạng. Các nhà khoa học ước tính núi lửa này bắt đầu hoạt động từ 30.000 năm trước, hình thành các cột dung nham cao tới 1.400m.

6.Núi lửa Sinabung, Indonesia

Ngày 29/8 núi lửa Sinabung tại tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia, phun trào lần đầu tiên kể từ năm 1600 khiến hơn 30 nghìn người dân phải sơ tán. Sinabung hoạt động lần thứ hai vào ngày 30/8, tạo nên cột tro cao 2.000 m. Ngày 3/9, ngọn núi lửa này phun trào lần thứ ba và độ cao của cột tro tăng lên 3.000 m. Lần hoạt động thứ tư xảy ra ngày 6/9. Và lần phun trào thứ 5 vào ngày 7/9 chính là lần phun trào mạnh nhất trong hơn 400 năm qua của ngọn núi lửa Sinabung.

Theo Vietnamnet
  • 5.175