Nỗi lo cho loài hổ trong năm Canh Dần

  •  
  • 775

Thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn lại trong tự nhiên và chúng đang phải đối mặt với hiểm họa ngày càng tăng - bao gồm mất chỗ sinh sống, bị săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu.

Hai con hổ đùa nghịch trong hồ nước gần một ngôi chùa tại Kanchanaburi, Thái Lan. Ngôi chùa nuôi hổ này trở thành điểm hút du khách và là một trong số ít những nơi trên thế giới cho phép khách đến thăm chạm vào hổ. Ảnh: EPA.


Ngày 10/2, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) lần đầu tiên công bố bản đồ tương tác về hổ. Bản đồ - cung cấp thông tin về 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có hổ - cung cấp một cái nhìn tổng thể về những mối đe dọa dành cho loài hổ hoang dã. Nó được công bố khi nhiều quốc gia tại châu Á và trên thế giới chuẩn bị chào đón năm Canh Dần từ ngày 14/2.

Tuy nhiên, theo thông tin từ bản đồ tương tác, trên thế giới chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn lại trong tự nhiên và chúng đang phải đối mặt với hiểm họa ngày càng tăng - bao gồm mất chỗ sinh sống, bị săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu.

Hy vọng về một tương lai tươi sáng cho loài hổ vẫn còn khi mà những quốc gia nơi có hổ sinh sống, những cơ quan và tổ chức bảo tồn như Ngân hàng Thế giới sẽ họp tại Nga vào tháng 9 năm nay trong một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để vạch ra một chương trình nghị sự với nhiều tham vọng lớn nhằm cứu loài hổ hoang dã.

Ông Mike Baltzer, trưởng nhóm sáng kiến về Hổ của WWF, phát biểu: "Hổ đang bị ngược đãi ở những nơi chúng cư trú. Chúng bị đầu độc, săn bắt, đánh bẫy, lùng bắn và bị đẩy ra khỏi nơi sinh sống".

Nhưng Baltzer nói thêm rằng con người vẫn có hy vọng một tương lai sáng sủa hơn dành cho loài hổ vào năm Canh Dần.

"Từ trước đến nay chưa bao giờ chính phủ các nước có hổ đưa ra những cam kết, hoài bão ở cấp độ cao nhằm nhân đôi số lượng cá thể hổ trong tự nhiên như vậy. Các nhà lãnh đạo rất kỳ vọng khi đặt ra mục tiêu và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng họ sẽ đạt được vì lợi ích của không chỉ loài hổ mà là cả của con người. Hổ là loài vật có sức lôi cuốn và là biểu tượng cho sự đa dạng phong phú về sinh thái, văn hóa và kinh tế của châu Á", ông nói.

Hướng đến hội nghị thượng đỉnh, toàn bộ 13 nước có hổ đang sinh sống trong tự nhiên đã cam kết nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cá thể hổ hoang dã vào năm 2022 tại hội nghị lần thứ nhất về bảo tồn hổ ở Hua Hin, Thái Lan vào tháng trước.

Bản đồ tương tác được thiết kề nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa về những vấn đề này và giúp các nước có loài hổ sinh sống trong tự nhiên đạt được mục tiêu quan trọng đã đề ra.

Những mối đe dọa khác đối với loài hổ hoang dã cũng được đánh dấu trên bản đồ, bao gồm:

Các công ty bột giấy, giấy, dầu cọ và cao su đang làm cạn kiệt các khu rừng ở Indonesia và Malaysia - nơi đang còn cá thể hổ hoang dã sinh sống.

Hàng trăm công trình và dự án xây dựng đập và đường mới trong khu vực tiểu sông Mekong sẽ làm hỏng khu sinh sống của hổ.

Tình trạng buôn bán trái phép xương, da và thịt hổ vẫn tiếp diễn ở khu vực Đông, Đông Nam Á và những nơi khác.

Nhiều cá thể hổ bị nhốt ở bang Texas, Mỹ thay vì được sống trong môi trường hoang dã.

Nạn săn trộm hổ và con mồi của hổ cùng với những gia tăng không ngừng trong việc đốn gỗ rừng đang lấy đi sự sống của rất nhiều con hổ Siberia (còn gọi là hổ Amur).

Tại Ấn Độ, hổ và con người ngày càng trở nên mâu thuẫn với nhau do khu vực sinh sống của loài hổ đang dần bị thu hẹp.

Biến đổi khí hậu có thể giảm khu vực sinh sống của hổ trong rừng ngập mặn Sundarbans, Bangladesh xuống còn 96%.

Ba phân loài hổ đã tuyệt chủng từ thập kỷ 40. Hổ Hoa Nam - phân loài thứ tư và có nguồn gốc ở phía nam Trung Quốc - có thể cũng đã tuyệt chủng do chưa ai nhìn thấy chúng trong tự nhiên suốt 25 năm qua.

Diện tích sinh sống của hổ đã giảm đi 40% so với năm 1998 và diện tích này chỉ bằng 7% diện tích khu vực sinh sống của hổ trong lịch sử. Số lượng hổ có khả năng tăng trong tự nhiên khi chúng không bị săn trộm, thu hẹp khu vực sinh sống và có đủ nguồn thức ăn.

Bà Amanda Nickson, Giám đốc chương trình loài vật của WWF trên phạm vi toàn cầu, phát biểu: "Chúng tôi biết hổ tự nhiên rất cần sự bảo vệ, nguồn thức ăn và môi trường sống an toàn. Tuy nhiên để cứu loài mèo lớn thì những nhân tố này là chưa đủ. Điều cần thiết là có được một tinh thần chính trị bền vững từ cấp cao nhất trong chính phủ của những nước có loài hổ sinh sống".


Để xem và tải bản đồ, xin vui lòng truy cập trang www.worldwildlife.org/tigertroublespots

Theo VnExpress
  • 775