Núi băng giúp chim cánh cụt tiến hóa nhanh

  •  
  • 444

Các nhà khoa học đã trích DNA chim cánh cụt cổ đại 6.000 năm tuổi. So sánh với DNA của chim cánh cụt ngày nay, người ta phát hiện đã có sự khác biệt lớn...

Nhà sinh vật học phân tử David Lambert

Sau gần 10 năm nghiên cứu DNA của loài chim cánh cụt Adélie ở Nam Cực, nhóm nghiên cứu do nhà sinh vật học phân tử David Lambert của trường Đại học Massey Auckland - New Zealand dẫn đầu đã lấy được DNA tế bào nhân của chim cánh cụt. Họ muốn tìm hiểu vì sao chim cánh cụt hiện nay và tổ tiên của chúng 6000 năm trước lại có sự khác biệt về di truyền lớn như vậy?

Mùa hè hàng năm, chim cánh cụt Adélie thường tập trung vào một nơi để sinh đẻ. Cứ 4 con chim non thì có một con bị chết yểu, thời gian trôi qua và ở đây có lưu lại một lượng lớn xương của chim cánh cụt đã chết qua nhiều thời đại. Nam Cực là nơi có khí hậu giống như một chiếc tủ lạnh tự nhiên nên là điều kiện tốt nhất để bảo quản DNA trong xương của chim cánh cụt.DNA của tế bào nhân có từ cả hai chim bố mẹ nên càng phản ánh chính xác tốc độ tiến hoá của chúng.

Nghiên cứu đã phát hiện ra số lượng gene biến hoá tích luỹ ở chim cánh cụt 6.000 năm trước nhiều đến "giật mình". Các nghiên cứu viên đã lấy DNA tế bào nhân từ 15 con chim cánh cụt cổ đại 6.000 năm tuổi và so sánh với DNA tế bào nhân của 48 con chim hiện đang sống ở khu vực sinh đẻ, kết quả cho thấy: trong các thứ tự ngắn trùng lặp của 9 đọan DNA, có 4 đọan DNA dài ra và có 2 đọan DNA ngắn lại.

Trong lịch sử tiến hoá, 6.000 năm không phải là khoảng thời gian dài, chim cánh cụt là loài chim sống cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, trong thời gian ngắn như vậy mà có sự biến hoá lớn là phát hiện chưa từng thấy ở một loài động vật nào khác trước đây.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân tốc độ tiến hoá nhanh của chim cánh cụt có thể là các núi băng hàng nghìn năm trước khi tan ra đã trôi nổi, và cản trở con đường di chuyển thông thường của chim cánh cụt, làm cho những con chim cánh cụt bị tách ra, sinh sôi nảy nở ở một nơi mới và kho gene của chim cánh cụt địa phương đã hoà nhập vào hệ máu mới, làm tăng tốc độ tiến hoá của loài chim này.

Tuyết Nhung

Theo VietNamNet
  • 444