Các chất ô nhiễm có thể làm tăng mức độ căng thẳng, ảnh hưởng tới khả năng phán đoán và nhận định sự việc. Đây là một trong số những tiền đề dẫn tới tình trạng tội phạm xảy ra tại các thành phố có mức độ ô nhiễm trầm trọng.
Tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người từ lâu đã được nhắc đến. Khi con người tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí, chúng ta dễ mắc các chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư phổi hay cả chứng bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác động tới hành vi của chúng ta. Chì đã được loại bỏ khỏi xăng tại Mỹ vào những năm 1970 nhằm đối phó với những lo ngại cho rằng, khí thải xe hơi chứa chì có thể ảnh hưởng tới hành vi, khả năng học tập và giảm chỉ số IQ ở trẻ nhỏ.
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác động tới hành vi của chúng ta.
Đặc biệt những đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với chì từ nhỏ có đặc điểm dễ nhận thấy là hung hăng, bốc đồng và chỉ số IQ thấp. Đây là những tính cách rất dễ hình thành nên hành vi phạm tội. Điều khá thú vị là kết quả từ việc tách chì khỏi xăng đã giúp giảm tới 56% tỷ lệ tội phạm trong những năm 1990.
Tại Thượng Hải, Trung Quốc những năm gần đây, giới chức đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân tiếp xúc với không khí ô nhiễm, chứa sulfur dioxide phải nhập viện vì có biểu hiện rối loạn tâm thần.
Theo Independent, đã có nhiều nghiên cứu đi tìm hiểu mối liên kết giữa ô nhiễm không khí và biểu hiện xấu. Trong đó, một nghiên cứu được thực hiện tại Los Angeles, Mỹ cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí cao làm tăng hành vi phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên sống ở đô thị. Tất nhiên, hành vi phạm tội còn phụ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ gia đình, sự giáo dục từ khi còn nhỏ.
Hay như một nghiên cứu khác tại hơn 9.360 thành phố ở Mỹ. Kết quả cho thấy, ô nhiễm không khí gián tiếp làm tăng tỷ lệ tội phạm. Không khí độc hại làm tăng sự lo lắng và dẫn tới những biểu hiện phạm tội và phi đạo đức. Điều này cũng đồng nghĩa, thành phố càng ô nhiễm càng dễ trở thành nơi có tỷ lệ tội phạm cao.
Ngoài ra, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng quan trọng khác. Cụ thể, nghiên cứu so sánh dữ liệu của 1,8 triệu tội phạm trong vòng 2 năm qua với dữ liệu ô nhiễm từ các khu vực của Luân Đôn. Nguồn dữ liệu ô nhiễm được tổng hợp từ các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa tính theo tuần và các mùa khác nhau.
Mức độ ô nhiễm không khí cao làm tăng hành vi phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên sống ở đô thị.
Trong đó, các nhà khoa học dựa vào chỉ số chất lượng không khí (AQI) để xác định mức độ ô nhiễm không khí. Kết quả cho thấy, khi chỉ số AQI tăng 10% thì tỷ lệ tội phạm cũng tăng thêm 0,9%. Đặc biệt, mức độ phạm tội tăng cao chủ yếu vào những ngày ô nhiễm nhất.
Mặc dù vậy, nghiên cứu chỉ phát hiện thấy mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và các hành vi phạm tội nhẹ như ăn cắp đồ và móc túi. Ngược lại, họ không tìm thấy mối liên hệ nào với loại tội phạm nguy hiểm như giết người, hãm hiếp hoặc tấn công người.
Tiếp xúc với chất lượng không khí kém có thể làm tăng hormone stress điển hình là cortisol. Loại hormone này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng nhận thức, tăng mức độ lo lắng nếu bị sản sinh quá nhiều.
Ngoài ra, các yếu tố khách quan tác động từ xã hội như uống rượu, phá hoại của công, làm ngơ, dung túng chuyện sai trái,… cũng sẽ tác động đáng kể tới hành vi của một người.
Lần đầu tiên, con người có cái nhìn khác về tác động của chúng với chính hành vi và nhận thức của bản thân.
Tác động từ ô nhiễm không khí với sức khỏe của con người đã quá rõ ràng nhưng đây là lần đầu tiên, con người có cái nhìn khác về tác động của chúng với chính hành vi và nhận thức của bản thân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 9/10 người trên thế giới hiện vẫn phải hít thở nguồn không khí độc hại.
Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa thể hiểu hết về tác động của chất ô nhiễm với sức khỏe và hành vi của con người. Ngoài ra, ô nhiễm không khí không phải lúc nào cũng tác động tới toàn bộ dân số thế giới. Cụ thể sự khác biệt còn nằm ở giới tính, tuổi tác, tầng lớp xã hội, thu nhập hay vị trí địa lý.
Nhìn chung để khẳng định mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí cao và tỷ lệ tội phạm gia tăng đòi hỏi một quá trình lâu dài và nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên không khó để tìm thấy những bằng chứng cho thấy tác động của chất lượng không khí với sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người.
Thiết nghĩ, chính phủ, tổ chức và mỗi cá nhân tại các đô thị lớn cần phải nhận thức được tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe và hành vi của họ. Khi đã nắm được nguyên nhân, việc còn lại chỉ là nỗ lực phòng tránh và cải thiện chất lượng không khí bằng cách ưu tiên năng lượng sạch, quản lý chất thải hiệu quả hơn.