Paternoster - Loại thang máy nguy hiểm nhất thế giới

  •  
  • 4.534

Mặc dù mô hình thang máy có kết cấu chuyển động liên tục và cực kỳ khoa học, nhưng nó có thể trở thành một cái bẫy tử thần với những ai hay sơ ý.

Loại thang máy nguy hiểm nhất thế giới

Thang máy là một thiết bị vận tải chạy theo chiều đứng để vận chuyển người, hàng hoá giữa các tầng của một con tàu, công trình xây dựng hoặc cấu trúc khác. Thang máy hiện đại thường được trang bị động cơ điện tạo lực kéo dây cáp và hệ thống đối trọng như cần trục, hoặc máy bơm chất lỏng thủy lực để nâng cao một piston hình trụ.

Thang máy là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.
Thang máy là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại.

Các loại thang máy thông thường hoạt động theo cơ chế rất an toàn, khi thang chạy bằng tầng, cửa thang mới mở và người bước vào cửa đóng lại thì thang mới chạy tiếp. Nếu vì một lý do nào đó cửa thang đóng không hết thì thang sẽ không chạy.

Mặc dù vậy, loại thang Paternoster thì lại hoàn toàn khác, vốn được mệnh danh là "thang máy nguy hiểm nhất thế giới". Chiếc thang loại này đầu tiên được lắp đặt ở Dartford, Vương quốc Anh vào năm 1884. Sau đó, Paternoster đã du nhập sang Hà Lan và Đức.

Cơ chế hoạt động của thang máy Paternoster.
Cơ chế hoạt động của thang máy Paternoster.

Đa số các thang Paternoster không lắp cửa hay tấm chắn để tăng tính tiện lợi. Điều này càng khiến hành khách càng dễ gặp nguy hiểm, vì họ có thể mất thăng bằng mà ngã nhào ra bên ngoài trong lúc thang di chuyển, dù nó có tốc độ chậm hơn nhiều lần so với thang máy thông thường.

Paternoster đầu tiên được lắp đặt vào năm 1884 tại Dartford, Anh. Bảy năm trước, bằng sáng chế của nó đã được đăng ký bởi một kỹ sư người Anh tên là Peter Hart. Cái tên paternoster xuất phát từ từ tiếng Latinh "Our Father", là hai từ đầu tiên của "Lời cầu nguyện của Chúa".

Paternoster trở nên rất phổ biến ở châu Âu trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 vì chúng có thể chở nhiều hành khách hơn thang máy thông thường. Không chỉ vậy, nó còn là phương pháp di chuyển cực kỳ mau lẹ từ tầng này sang tầng khác vì không cần xếp hàng để chờ thang.

Không ít người đã thiệt mạng khi sử dụng loại thang máy này, thậm chí có người còn rơi cả xuống hố thang máy. Vì vậy hệ thống thang máy này không phù hợp với người già, trẻ nhỏ và người khuyết tật.

Thang máy Paternoster chạy với tốc độ rất thấp chỉ khoảng 0,3m/s, nhưng với nguyên lý hoạt động cộng với việc không có cửa tầng làm cho thang máy này trở thành hệ thống thang máy nguy hiểm cho tất cả các khách hàng khi sử dụng.

Từ năm 1970 đến 1983, 5 người đã bị chết khi sử dụng thang này tại đại học Newcastle. Năm 2012 lại thêm một người già 81 tuổi chết do ngã xuống hố thang. Chính vì lẽ đó, loại thang máy này được xem là thang máy nguy hiểm nhất trên thế giới.

Với mức độ nguy hiểm khủng khiếp này, Paternoster đã bị cấm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù vậy, đối với những chiếc thang máy loại này còn hoạt động thì các nhà đầu tư đã phải lắp thêm các cửa thang và hệ điều khiển hiện đại để thang máy hoạt động như các dòng thang máy thông thường khác.

Cập nhật: 10/01/2022 Theo Genk/Dân Trí
  • 4.534