Phân loại rác bằng dây chuyền bán tự động

  •  
  • 2.635

Dây chuyền xử lý chất thải rắn sinh hoạt do ĐH Bách khoa TP HCM nghiên cứu chế tạo đã khắc phục được thói quen không phân loại rác của nhiều hộ dân cư.

Theo đó, các loại rác hữu cơ như rau củ quả, vải vụn, da, gỗ… cho đến rác vô cơ như thủy tinh, xà bần, kim khí… đều được tách riêng.

Phân loại rác bằng máy

Kỹ sư Trần Hùng Dũng, Bộ môn Máy và Thiết bị, Khoa Kỹ thuật Hóa, ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết: Để phân loại hỗn hợp rác này, nhóm nghiên cứu đã chọn sử dụng biện pháp thủy lực kết hợp khí động.

Về nguyên tắc, bằng phương pháp thủy lực và khí động, các loại rác hữu cơ sẽ nổi lên trong khi rác vô cơ nặng hơn sẽ chìm. Với phương pháp này, rác được tách thành các nhóm khác nhau, giúp việc tái chế dễ dàng hơn.

Phần lớn rác thải không được phân loại.

Bên cạnh đó, dây chuyền công nghệ mới này còn tận dụng được hầu hết các loại rác thải rắn để tái chế. Chẳng hạn, các loại rác hữu cơ (rau, củ, quả...) sau khi qua quy trình xử lý sẽ được tái chế thành phân vi sinh, rác nylon và cao su thì được tái chế thành xăng dầu, rác giấy chế biến lại thành bột giấy, xà bần thành gạch bloc, thủy tinh và kim loại được đem bán cho các cơ sở chuyên dụng.

Ông Đỗ Trung Nam, Phó phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết: Trước đây, có nhiều tổ chức nước ngoài tài trợ cho thành phố việc phân loại rác để chế biến thành phân composit, tái chế, nhưng cuối cùng đều thất bại vì ý thức phân loại rác của người dân còn thấp. Còn dây chuyền công nghệ dùng cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt do ĐH Bách khoa TP HCM nghiên cứu khá phù hợp với các nhà máy tái chế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, việc này vẫn cần nhân công trong vài khâu để phân loại cho thấy dây chuyền này chưa hoàn thiện.

Nên xử lý rác thay vì đem chôn

Gần đây, trong tiến trình xã hội hóa hoạt động xử lý rác, một số nhà đầu tư đã “thử sức” trong lĩnh vực xử lý rác thải. Qua đó, mở ra một số hướng xử lý khác hiện đại hơn như: tái chế, làm phân compost, đốt rác chuyển hóa thành điện năng…

Tuy nhiên, đến nay, biện pháp xử lý rác sinh hoạt tại TP HCM chủ yếu là chôn lấp. Đây rõ ràng không phải là giải pháp tối ưu vì rất tốn quỹ đất.

Thực tế, TP HCM đã ngưng tiếp nhận rác tại bãi rác Gò Cát (Q. Bình Tân) và bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) vì tình trạng quá tải ở đây.

Ngoài ra, với biện pháp xử lý bằng chôn lấp, nguồn nước rỉ rác có thể gây ô nhiễm cho đất và nguồn nước bên dưới nó. Bên cạnh đó, còn xảy ra nguy cơ ô nhiễm không khí và không tận dụng được các nguồn lợi kinh tế vì không được tái chế…

Vì thế, theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, dây chuyền công nghệ mới này được một số doanh nghiệp ở TP HCM và Tây Ninh quan tâm, chuẩn bị triển khai đầu tư cho cơ sở của mình. 

Thống kê của ngành chức năng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn TP HCM liên tục tăng. Năm 2006, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được là hơn 1,8 triệu tấn/năm, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2005.

Năm 2007 tăng ở mức 3,2%. Đến năm 2008, con số tăng lên trên dưới 4%. Năm 2009, dù chưa có thống kê chính thức nhưng chỉ riêng lượng rác thu gom trong 4 tháng đầu năm đã vượt hơn 710.000 tấn, tức là gần bằng 50% của cả năm 2006.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM dự báo: Đến năm 2010, lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn sẽ ở ngưỡng 7.000-7.500 tấn/ngày đêm và đạt cột mốc trên dưới 16.000 tấn/ngày đêm trong giai đoạn 10 năm tiếp theo.

Theo Báo Đất Việt
  • 2.635