Phát hiện loài "khỉ ma" mới và rắn hổ mây màu cam ở khu vực Mekong

  •  
  • 232

"Khỉ ma" và rắn hổ mây màu cam ăn sên nằm trong số 224 loài mới được phát hiện dọc sông Mekong, theo báo cáo của Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (WWF).

Theo AP, báo cáo này được WWF công bố hôm 26/1, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ sinh cảnh và đa dạng sinh học vốn rất phong phú trong khu vực sông Mekong, gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar.

Hầu hết số loài trong danh sách này được phát hiện từ năm 2020, nhưng năm ngoái WWF không công bố báo cáo. Trong năm 2021 có thêm một loài động vật có vú mới được phát hiện ở khu vực, đó là voọc Popa - được gọi là "khỉ ma" - sinh sống trên núi lửa Popa đã tắt ở Myanmar.

Danh sách bao gồm hàng chục loài bò sát, lưỡng cư và cá mới, cũng như 155 loài thực vật, bao gồm một giống tre có thân mọng nước, được phát hiện ở Lào. Một số loài xuất hiện ở nhiều nước khác nhau, như loài rắn hổ mây màu cam chuyên ăn sên.


Rắn hổ mây màu cam chuyên ăn sên. (Ảnh: AP).

Từ lâu, thiên nhiên của khu vực Mekong đã nổi tiếng về sự đa dạng sinh học, với nhiều loài động vật quý như hổ Đông Dương, voi châu Á, saola và hàng nghìn loài đặc hữu khác.

Tính cả danh sách mới nhất, các nhà khoa học đã phát hiện hơn 3.000 loài mới ở khu vực Mekong từ năm 1997 tới nay, theo WWF.

Các nhà khoa học cũng so sánh các loài mới với mẫu vật từ nhiều viện bảo tàng trên thế giới để xác định những điểm giống và khác nhau với những loài từng được phát hiện.

Ông Thomas Ziegler, người phụ trách các mẫu vật tại Viện Động vật học Đại học Cologne, cho biết quy trình nghiên cứu như vậy sẽ giúp xác định phạm vi sinh sống của loài và các mối đe dọa đối với sự tồn tại của chúng.

Voọc Popa

Khỉ ma
Voọc Popa là loài động vật có vú duy nhất trong danh sách các loài mới phát hiện ở khu vực Mekong của WWF. (Ảnh: AP).

Voọc Popa được tìm thấy dựa vào sự đối chứng với mẫu di truyền từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, vốn được thu thập từ hơn một thế kỷ trước.

Hai đặc điểm chính của loài khỉ mới này là một vòng trắng ma quái xung quanh mắt và bộ râu trắng quanh miệng.

WWF phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật Quốc tế (FFI) lần đầu phát hiện voọc Popa bằng bẫy ảnh vào năm 2018. FFI chính thức công bố phát hiện này vào cuộc năm ngoái.

Mặc dù là loài mới nhưng voọc Popa có thể sẽ được đưa ngay vào danh sách các loài cực kỳ nguy cấp do chỉ còn 200-250 cá thể trong tự nhiên.

Bất chấp sự thu hẹp sinh cảnh và sự xâm lấn của con người tới các khu rừng nhiệt đới, phần lớn khu vực Mekong Lớn vẫn chưa được khám phá hết. Mỗi năm ước tính có hàng chục loài mới được phát hiện ở khu vực này, đây là tin tốt hiếm hoi trong bối cảnh ngày càng có nhiều loài động thực vật trên thế giới sắp tuyệt chủng.

Cập nhật: 28/01/2022 Theo Zing
  • 232