Một lục địa "không giống bất cứ thứ gì được tìm thấy ngày nay" từng là nơi sinh sống của nửa triệu người đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển phía bắc Úc.
Thềm lục địa hiện đã bị nhấn chìm là một cảnh quan rộng lớn, có thể sinh sống được trong suốt 65.000 năm qua và bao phủ khoảng 390.000km2 - một khu vực thậm chí còn lớn hơn diện tích New Zealand.
Các nhà khoa học, dẫn đầu bởi Kasih Norman thuộc Đại học Griffith (bang Queensland), đã có phát hiện mang tính bước ngoặt. Họ nói rằng "cảnh quan phức tạp" tồn tại trên Thềm Tây Bắc của Úc "không giống bất kỳ cảnh quan nào được tìm thấy trên lục địa của chúng ta ngày nay".
Thềm lục địa hiện đã bị nhấn chìm từng là nơi có thể sinh sống được trong suốt 65.000 năm - (Ảnh: Ladbible).
Bên cạnh đó, ngôn ngữ và phong cách nghệ thuật trên đá của những người sống ở đây tương tự người sống ở lân cận. Những khu vực này từng được nối với nhau bằng thềm lục địa, đến nay vẫn tồn tại - vùng đất Tây Arnhem ở phía bắc và Kimberley ở phía tây bắc.
Norman và các đồng nghiệp của cô giải thích rằng khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc vào khoảng 18.000 năm trước, sự nóng lên toàn cầu đã khiến mực nước biển dâng lên, nhấn chìm nhiều mảng lục địa trên thế giới.
Hiện tượng này đã chia cắt siêu lục địa Sahul thành New Guinea và Úc, đồng thời cắt Tasmania khỏi đất liền. Các thềm lục địa hiện đang bị nhấn chìm của Úc được cho là không sinh lợi về mặt môi trường và phần lớn bị cộng đồng bản địa nguyên thủy bỏ qua.
"Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy giả định này là không chính xác. Nhiều hòn đảo lớn ngoài khơi Úc - những hòn đảo từng tạo ra một phần của thềm lục địa - có dấu hiệu bị chiếm cứ trước khi mực nước biển dâng cao", các nhà nghiên cứu viết.
Tuy nhiên, trước khi Norman và nhóm của cô tiến hành những cuộc điều tra, các nhà khảo cổ học chỉ có thể suy đoán về bản chất của những cảnh quan bị chìm, bắt nguồn từ trước kỷ băng hà này, cũng như quy mô dân số của chúng.
Nhưng những phát hiện mới được công bố đã bổ sung nhiều chi tiết còn thiếu, tiết lộ rằng Thềm Tây Bắc là một địa hạt tươi tốt, với các quần đảo, hồ, sông và thậm chí cả biển nội địa rộng lớn. "Khu vực này chứa đựng các môi trường nước ngọt và nước mặn có thể sinh sống được. Đặc điểm nổi bật nhất trong số này là biển nội địa Malita", họ cho biết.
Theo các nhà khảo cổ học, vùng biển này đã tồn tại 10.000 năm, từ 27.000 - 17.000 năm trước, với diện tích bề mặt lớn hơn 18.000km2. Thềm Tây Bắc có thể đã là nơi sinh sống của từ 50.000 - 500.000 cư dân vào nhiều thời điểm khác nhau trong 65.000 năm qua, theo mô hình do Norman và nhóm của cô thực hiện.
Dân số có lẽ đã đạt đến đỉnh điểm ở kỷ băng hà cuối cùng, khoảng 20.000 năm trước, khi toàn bộ thềm lục địa là đất khô.
Để rút ra kết luận, các nhà nghiên cứu đã chiếu mực nước biển trong quá khứ lên bản đồ có độ phân giải cao của đáy đại dương.
Họ phát hiện mực nước biển thấp đã làm lộ ra một quần đảo rộng lớn gồm các hòn đảo trên thềm Tây Bắc Sahul, kéo dài 500km về phía đảo Timor của Indonesia. Quần đảo này xuất hiện trong khoảng 70.000 - 61.000 năm trước, và ổn định trong khoảng 9.000 năm.
"Nhờ hệ sinh thái phong phú của những hòn đảo này, người dân có thể đã di cư theo từng giai đoạn từ Indonesia đến Úc, sử dụng quần đảo này làm những bước khởi đầu. Khi bước vào kỷ băng hà cuối cùng, các chỏm băng ở hai cực tăng lên và mực nước biển giảm tới 120m. Điều này đã làm lộ ra toàn bộ thềm lần đầu tiên sau 100.000 năm", các nhà khoa học lưu ý.
Tuy nhiên, vào cuối kỷ băng hà này, mực nước biển dâng cao đã nhấn chìm thềm lục địa, buộc cư dân phải chạy trốn khi nước xâm lấn vùng đất từng màu mỡ.
"Nhóm dân cư rút lui sẽ bị buộc phải tập hợp lại khi đất sẵn có bị thu hẹp", các chuyên gia viết, đồng thời lưu ý rằng điều này dẫn đến "các phong cách nghệ thuật trên đá mới" xuất hiện ở cả hai vùng đất là Kimberley và Arnhem.