Phát hiện một trong những bút tích cổ đại nhất của người Maya

  •  
  • 4.350

Sau hàng chục năm nằm trong vòng nghi vấn của giới khảo cổ học, mãi tới gần đây, cuốn sách Grolier mới được xác minh.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã xác minh thành công tính chân thực của những đoạn chữ viết Maya có trên cuốn sách cổ Grolier, có niên đại khoảng 800 năm - qua đó giải quyết vấn đề đã khiến giới khảo cổ học "điên đầu" bấy lâu nay về cuốn sách bí ẩn này.

Cuốn sách Grolier, kể từ khi được khai quật bởi những kẻ trộm mộ vào khoảng giữa thế kỷ trước, vốn bị các nhà sử học và khảo cổ học hoài nghi về tính chân thực trong một khoảng thời gian dài. Nhưng, những nghiên cứu mới đây đã góp phần chứng minh rằng, cuốn sách này là thật, và là một trong những cuốn sáchd đầu tiên được viết tại khu vực châu Mỹ.

Nguyên nhân cuốn Grolier bị "nhìn dưới ánh mắt hoài nghi" là bởi, cuốn sách này được khai quật rất muộn - vào khoảng cuối thế kỉ 20, trong khi những cổ vật khác của người Maya được tìm thấy từ thế kỷ 19. Cuốn sách này được tìm thấy trong một hang động ở Chiapas, Mexico, rồi qua tay nhiều nhà sưu tầm đồ cổ khác nhau.

Nhà nhân loại học Stephen Houston, đến từ trường Đại học Brown cho biết: "Cuốn sách này được tìm thấy trong một hang động ở Mexico, sau đó lọt vào tay nhà sưu tập giàu có người Mexico Josué Sáenz, rồi chu du khắp thế giới, trước khi trở về với chính quyến Mexico".

Cuốn sách cổ này được lấy tên từ Câu lạc bộ Grolier tại thành phố New York.
Cuốn sách cổ này được lấy tên từ Câu lạc bộ Grolier tại thành phố New York.

Cuốn sách cổ này được lấy tên từ Câu lạc bộ Grolier tại thành phố New York - nơi trưng bày cuốn sách vào năm 1970. Tuy nhiên, kể từ khi mới được khai quật, các nhà khoa học đã tranh cãi rất nhiều về việc, liệu cuốn sách này có phải là đồ giả được chế tác một cách tinh vi nhằm giả mạo bút tích của người Maya cổ hay không.

Cộng với câu chuyện có phần "thêm mắm thêm muối" của Sáenz về việc làm thế nào mà ông ta sở hữu được cuốn sách này, càng khiến người khác nghi ngờ nguồn gốc cuốn Grolier hơn.

Theo lời ông ta, có 2 kẻ trộm mộ liên hệ ông ta về việc khám phá ra hang động, rồi đưa ông ta đến đây bằng một chiếc máy bay, cùng với hành trình khai quật cuốn sách "giống y như trong phim Indiana Jones vậy".

Cuốn Grolier không phải là thứ duy nhất được phát hiện tại hang động này. Cùng với cuốn sách, có cả một chiếc mặt nạ gỗ nhỏ, và một con dao được dùng trong việc hiến tế. Trong khi những cổ vật này nhanh chóng được xác nhận là "đồ thật", thì không hiểu sao cuốn Grolier vẫn luôn trở thành đề tài tranh cãi trong giới chuyên môn.

Houston cùng các đồng sự của mình xem xét lại kỹ lưỡng những nghiên cứu có sẵn xoay quanh cuốn Grolier, cùng với đó là phân tích nguồn gốc của những trang giấy, những hình vẽ minh họa, và so sánh chúng với bút tích của những người họa sĩ Maya cổ.

Các nhà nghiên cứu đồng thời cũng sử dụng Carbon để đánh giá niên đại cuốn sách - và phát hiện ra cuốn sách này còn xuất hiện trước cả 3 bộ luật của người Maya: Dresden, Madrid, và Paris - được đặt tên theo địa điểm lưu giữ những cuốn sách này.

Đồng thời, sau khi đi sâu nghiên cứu kỹ bút tích trên cuốn Grolier, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng - việc làm giả chúng vào thời điểm những năm 1960 gần như không thể, do muốn làm điều này cần có hiểu biết rất sâu về người Maya - những thông tin mà phải đến tận cuối thế kỉ 20 mới được tìm ra.

"Sau khi đi sâu nghiên cứu, chúng tôi kết luận rằng, có bốn cuốn sách luật cổ của người Maya còn sót lại từ thời kì tiền Columbian, và một trong số đó là cuốn Grolier" - các nhà nghiên cứu kết luận trong báo cáo.

Cập nhật: 10/09/2016 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4.350