Phát triển thị trường công nghệ là ưu tiên số 1

  •  
  • 960

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN tại Hội nghị “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, nhà khoa học tại hội nghị, đến nay chỉ có từ 0,1 - 0,3 doanh thu của các doanh nghiệp được đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới công nghệ là quá thấp. Trong khi đó, đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp ở Ấn Độ khoảng 5% và Hàn Quốc là 10% doanh thu doanh nghiệp.

Phát triển thị trường công nghệ là ưu tiên số 1

Chính điều này, đã dẫn đến năng lực tiếp thu làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế. Phần lớn các công nghệ được mua bán trên thị trường chủ yếu là máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đồng bộ còn các giao dịch mua bán công nghệ ở dạng tài sản trí tuệ như các pa-tăng, li-xăng và bí quyết công nghệ hầu như không có.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, có không ít doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua công nghệ nước ngoài nhưng lại dè dặt khi bỏ tiền đầu tư phát triển khoa học và công nghệ ngay chính doanh nghiệp của mình. Điều này cho thấy, các kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước được áp dụng vào sản xuất kinh doanh không nhiều. Ngay cả các đề tài có kết quả nghiên cứu khoa học được áp dụng vào sản xuất kinh doanh cũng không có nhiều đề tài đăng ký được văn bằng bảo hộ sáng chế, có nghĩa là các đề tài nghiên cứu dẫn đến công nghệ mới rất ít.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, phát triển thị trường công nghệ là một trong những ưu tiên hàng đầu của đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học” cho giai đoạn đến năm 2015. Ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học công nghệ, tiến tới áp dụng mức đầu tư tối thiểu cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp là 10% lợi nhuận.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, quỹ phát triển KH&CN ít, không đủ để áp dụng việc đổi mới công nghệ sẽ đề nghị doanh nghiệp đóng góp lợi nhuận vào quỹ phát triển KH&CN tại địa phương.

Theo Đất Việt
  • 960