Phi công "soi" đèn thế nào để tránh va chạm trên bầu trời?

  •  
  • 4.746

Nhiều người nghĩ bầu trời cao rộng, máy bay lại tự do bay như chim ngại gì va chạm. Nhưng thực tế không phải vậy, và phi công là người phải tuân thủ các quy tắc nhất là biết ‘soi’ đèn hàng không để tránh va chạm.

Ở các ngã tư đường luôn có những cột đèn giao thông. Xe cộ và người đi đường đều tự giác tôn trọng quy tắc “đèn đỏ dừng, đèn xanh đi”, như vậy mới có thể tránh được xảy ra hỗn loạn và tai nạn giao thông. Đường hàng không cũng tuân thủ những nguyên tắc như vậy.

 Phi công là người phải tuân thủ các quy tắc nhất là biết "soi" đèn hàng không để tránh va chạm.
 Phi công là người phải tuân thủ các quy tắc nhất là biết "soi" đèn hàng không để tránh va chạm.

Tuy rằng bầu trời vô cùng rộng lớn, nhưng tốc độ bay của máy bay rất nhanh, bởi vậy vẫn có nguy cơ xảy ra va chạm. Để tránh tai nạn xảy ra trên không, ngoài những tuyến hàng không nhất định được quy định cho máy bay dân dụng trên những tuyến bay định kỳ, phi công còn phải liên tục chú ý quan sát trước sau, bên phải, bên trái, bên trên để tránh những máy bay khác.

Để tiện cho phi công quan sát xung quanh và liên tục nắm được đường bay của máy bay khác đang đi cùng tuyến đường với mình, khi máy bay bay trong đêm phải thắp sáng ba đèn hàng không ở hai bên trái, phải và một đèn ở phần đuôi máy bay. Quan sát ở vị trí của phi công thì đèn đỏ luôn ở đầu cánh trái, đèn xanh luôn ở đầu cánh phải và đèn trắng lắp ở đuôi máy bay. Ba chiếc đèn có thể liên tục chiếu sáng hoặc nhấp nháy.

Sau khi máy bay bật đèn hàng không vào ban đêm, tình hình quan sát của các phi công thuận lợi hơn nhiều. Nếu phi công nhìn thấy một máy bay ở cùng một độ cao với mình, mà chỉ thấy hai đèn xanh đỏ thì chứng tỏ đối phương đang đi đối diện mình, có nguy cơ đâm vào nhau, cần có biện pháp để tránh.

Nếu chỉ nhìn thấy một đèn thì chứng tỏ là đối phương đang ở bên trái hoặc bên phải mình. Nếu đồng thời nhìn thấy cả ba đèn thì chứng tỏ đối phương đang bay ở phía trên hoặc phía dưới mình. Hai tình thế này đều không nguy hiểm, phi công hoàn toàn có thể yên tâm vững lái.

Tuy nhiên, tốc độ của máy bay hiện đại rất lớn, chỉ dựa vào đèn chỉ dẫn thì chưa đủ. Trong trường hợp thời tiết xấu, có mây và sương mù thì làm thế nào? Hiện nay đã có một loại thiết bị gọi là thiết bị chỉ thị tiếp cận máy bay có thể giúp phi công phát hiện ra máy bay ở gần mình.

Thiết bị này được lắp đèn chỉ thị, đồng thời, ra đa trên máy bay không ngừng phát sóng vô tuyến điện ra xung quanh, khi máy bay khác bay gần sóng ra đa bị phản xạ trở lại, làm cho đèn chỉ thị sáng lên. Từ các đèn chỉ thị khác nhau có thể phản ánh hướng bay và khoảng cách tương đối của chiếc máy bay đang bay gần đến mình.

Cập nhật: 30/08/2021 Theo Tiền Phong
  • 4.746