Phô mai 3.200 năm chứa vi khuẩn chết người trong cổ mộ Ai Cập

  •  
  • 928

Các nhà nghiên cứu tìm thấy hũ phô mai gần như lâu đời nhất thế giới trong mộ của một quan chức cấp cao ở Ai Cập cổ đại.

Hũ phô mai được chôn bên cạnh Ptahmes, thị trưởng của thành phố Ai Cập cổ đại Memphis, theo Long Room. Ngôi mộ của ông được tái phát hiện năm 2010 sau khi bị cát sa mạc chôn vùi.

Phô mai chứa vi khuẩn gây bệnh Brucella trong hũ.
Phô mai chứa vi khuẩn gây bệnh Brucella trong hũ. (Ảnh: Enrico Greco).

Chất đặc màu trắng đựng trong hũ có vải bạt che phủ để bảo quản. Sau khi xử lý mẫu vật, nhóm nghiên cứu tinh lọc thành phần protein và phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng và khối phổ. Các chuỗi peptide phát hiện qua hai kỹ thuật cho thấy mẫu vật là sản phẩm làm từ sữa bò và sữa cừu hoặc dê. "Đặc điểm của vải bạt chỉ ra nó phù hợp để bảo quản chất rắn hơn là chất lỏng. Sự vắng mặt của các yếu tố khác cũng cố kết luận sản phẩm từ sữa là phô mai đặc", nhóm nghiên cứu cho biết.

Những chuỗi peptide khác trong mẫu vật hé lộ sản phẩm bị nhiễm Brucella melitensis, vi khuẩn gây bệnh Brucella. Đây là căn bệnh có thể gây chết người, lây lan từ động vật sang người, thường do ăn sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng. Nếu phân tích sơ bộ của nhóm nghiên cứu được xác nhận, mẫu vật sẽ là bằng chứng phân tử sinh học sớm nhất của căn bệnh này.

"Chất phân tích trong nghiên cứu có thể là cặn rắn lâu đời nhất của phô mai được tìm thấy từ trước tới nay. Tiếp xúc trong hàng nghìn năm với môi trường giàu kiềm ở lớp đất chứa natri carbonate và điều kiện sa mạc không ngăn cản việc xác định những chuỗi peptide đặc trưng", tiến sĩ Enrico Greco, nhà hóa học ở Đại học Catania, Italy, cho biết.

Ngôi mộ của thị trưởng Ptahmes nằm ở phía nam Cairo, được phát hiện lần đầu tiên năm 1885. Ptahmes cũng là tướng chỉ huy quân đội, người trông coi quốc khố và viết sử hoàng gia dưới thời pharaoh Seti I và con trai ông là Ramses II vào thế kỷ 13 trước Công nguyên.

Cập nhật: 17/08/2018 Theo VNE
  • 928