Tháng 7 âm lịch theo quan niệm dân gian là tháng cô hồn. Nhiều người tích cực phóng sinh động vật với suy nghĩ để chúng được về với thiên nhiên. Nhưng phóng sinh sai cách cũng là giết hại chúng.
Lòng nhân đạo, tôn trọng và đề cao thiên nhiên từ lâu đã được coi là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam. Nét đẹp văn hóa này là nguyên tắc cơ bản trong suy nghĩ, hành động của nhiều người và cũng thường được thể hiện qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như phóng sinh tại các đền, chùa. Đáng tiếc, việc hiểu sai cách ý nghĩa và bản chất của hoạt động này đã dẫn đến một số hiện tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV cho biết, "phóng sinh là hoạt động nhân văn, nhưng chúng ta không ngờ rằng chính nhu cầu mua động vật để phóng sinh, đặc biệt là động vật hoang dã như chim, rùa, khỉ…. chính là vô tình tạo điều kiện thúc đẩy nạn săn bắt, buôn bán các loài này phát triển".
Phóng sinh cũng cần đúng cách thì động vật mới tiếp tục sống được.
"Ngày càng nhiều hơn những cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) ngoài tự nhiên trở thành mục tiêu của những kẻ săn bắt trái phép rồi bị mang đi bán tại các cơ sở tín ngưỡng để phục vụ cho mục đích "tạo phước" của một bộ phận người dân", bà Dung cho biết.
"Tập tục phóng sinh với ý nghĩa hành thiện tích đức, giải cứu và ban sự tự do cho các cá thể động vật đang gặp nạn là một hành động đáng trân trọng. Tuy nhiên, hành động này cần được thực hiện đúng cách. Động vật hoang dã thuộc về tự nhiên! Các tốt nhất để bảo vệ ĐVHD là không nuôi nhốt, tiêu thụ hay mua bán động vật hoang dã để chúng được sống tự do trong môi trường thiên nhiên".
Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, phóng sinh là một phong tục đẹp của người Việt Nam nhưng hiện nay đang bị biến tướng, thành ra tác dụng ngược. Vừa không giúp đỡ động vật trở lại môi trường sống tự nhiên mà còn góp phần giết hại chúng.
Đơn giản như phóng sinh cá, một cái hồ chật hẹp nhiều khi có hàng trăm, hàng nghìn con cá được phóng sinh xuống đó. Số lượng cá quá đông lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, khiến chúng phải chiến đấu để sinh tồn. Hệ quả là không ít con sẽ bị chết ngay sau khi phóng sinh.
Hay như phóng sinh chim. Môi trường đô thị, nhà cao tầng san sát, khó tìm được nơi trú ngụ phù hợp khiến chim sau khi phóng sinh lại trở thành mồi ngon của các con vật khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),o khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Những tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã chính là điều kiện thuận lợi khiến con người mắc phải nhiều loại virus nguy hiểm như HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola, MERS. Nguồn lây lan ban đầu của COVID-19 – đại dịch đang có ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới - cũng được xác định nhiều khả năng là từ động vật hoang dã. Việc nuôi nhốt động vật hoang dã tại chùa vì vậy cũng gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã cho con người. |
TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ UIA, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Việc phóng sinh mà nhiều người đang làm hiện nay mới chỉ thiên về hình thức chứ không phải là bản chất. Phóng sinh là việc khơi dậy lòng từ bi ở mỗi con người. Nguồn gốc của phóng sinh là không ăn thịt cá, không sát sinh. Sau đó, tinh thần phóng sinh là đi đến đâu thấy người hay con vật gặp hoạn nạn là phải cứu giúp".
Gặp con chim, con cá bị lạc bầy thì phải đưa bàn tay từ bi ra giúp chúng trở lại môi trường tự nhiên. Còn đi mua chim, cá về để phóng sinh thì chỉ là hình thức. Chính vì có người mua nên mới có người đi bắt chim, cá về để bán. Trong quá trình bắt, vận chuyển, không ít con bị chết. Vậy là chính hành vi đi mua động vật để phóng sinh đã vô tình giết hại động vật mà chúng ta không hay biết. Nếu ta không mua, sẽ không ai bắt chúng để đi bán.
"Việc phóng sinh hiện nay đang bị biến tướng xâm hại nghiêm trọng đến môi trường thiên nhiên mà không được quản lý. Đã đến lúc mỗi người phải thay đổi nhận thức về vấn đề này", GS.TS Đặng Huy Huỳnh cho biết.
TS. Vũ Thế Khanh cho rằng, không nên đi mua chim, cá về để phóng sinh mà nên làm đúng theo tinh thần từ bi của nhà Phật, thấy người nghèo khó, gặp hoạn nạn thì giúp đỡ, thấy con vật bị lâm nạn thì giúp chúng thoát ra và trở về với thiên nhiên. Việc phóng sinh theo trào lưu hiện nay không có nhiều ý nghĩa, thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, khiến con vật bị săn bắt nhiều hơn, môi trường sống bị thu hẹp hơn. Từ bi từ trong những việc làm, hành động, suy nghĩ… mỗi ngày chính là cách phóng sinh tốt nhất.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh cho rằng việc phóng sinh phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sinh thái của từng địa phương và đã đến lúc phải được quản lý nghiêm ngặt. Phóng sinh là vấn đề văn hóa nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nếu để bừa bãi như hiện nay.
"Nhận thức của mỗi người phải thay đổi, không nên quá sa vào mê tín dị đoan. Không có chuyện cứ bỏ nhiều tiền ra, mua thật nhiều động vật để phóng sinh thì sẽ hưởng phúc lớn. Vì có khi việc mua nhiều đó lại là tác nhân khiến con vật bị chết nhanh hơn. Nếu muốn thể hiện lòng từ bi, hãy dùng tiền đó giúp người nghèo, hỗ trợ trẻ em nghèo được đến trường, có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhiều người phóng sinh nhưng không biết rằng con vật mình mua về đang rất yếu, để chúng ra môi trường sẽ bị chết ngay thành ra việc tốt lại biến thành việc xấu", GS.TS Đặng Huy Huỳnh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung cũng khuyến cáo, cá nhân mỗi người có thể góp sức bảo vệ các loài động vật hoang dã bằng cách cam kết không tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã; Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã; Thông báo các hành vi săn bắt, quảng cáo, buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã đến các cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng miễn phí về bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522.