Phụ nữ mãn kinh nên ăn nhiều đậu nành

  •  
  • 1.519

Ở tuổi mãn kinh, cơ thể phụ nữ mất cân bằng do sự sụt giảm nghiêm trọng hoóc môn giới tính nữ. Một số thực phẩm có thể bù đắp lượng hoóc môn này, chẳng hạn như bắp cải, tỏi... và đặc biệt là đậu nành.

Trong đậu nành có chứa rất nhiều Phytoestrogen (Ảnh: VNN)
Oestrogen là nội tiết tố sinh dục đặc thù của phái đẹp; chủ yếu do hoạt động có chu kỳ của buồng trứng bài tiết ra. Nó làm cho vú phát triển ở tuổi dậy thì, làm đẹp những đường nét cơ thể nữ: ngực nở, mông phát triển, da dẻ mịn màng... Đến độ tuổi mãn kinh, sự bài tiết oestrogen giảm đi làm cho niêm mạc âm đạo bị mỏng, sự bài tiết chất nhờn cũng giảm, sinh hoạt tình dục dễ bị đau rát, ít hứng thú chuyện chăn gối. Mặt khác, do oestrogen có tác dụng chống loãng xương nên tình trạng mãn kinh sẽ kéo theo bệnh loãng xương.

Các nghiên cứu cho thấy, triệu chứng phổ biến nhất của chứng mãn kinh là những cơn bốc hỏa. Hơn 75% phụ nữ mãn kinh gặp triệu chứng này.

Liệu pháp oestrogen thay thế là một cách hạn chế những tác động tiêu cực khi tuổi xế chiều, nhưng có nhiều chống chỉ định. Bởi vậy người ta đã tìm một biện pháp tiếp cận an toàn hơn, đó là dùng những chất như oestrogen có trong thiên nhiên, đặc biệt là thức ăn thực vật gọi là phytoestrogen (oestrogen thực vật) có đặc tính tương tự như oestrogen trong cơ thể người, nhưng hoạt tính nhẹ hơn nhiều. Chúng có khả năng làm giảm các triệu chứng thời kỳ mãn kinh.

Phytoestrogen có trong thức ăn thực vật như bắp cải, tỏi, yến mạch, lạc, vừng... và phong phú nhất là ở hạt đậu nành. Những phụ nữ thường ăn các sản phẩm từ đậu nành (như sữa đậu nành, tào phớ, đậu phụ, chao...) ít bị các chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh và nếu có thì cũng rất nhẹ. Đậu nành hạn chế các triệu chứng khó chịu tuổi mãn kinh và chống loãng xương, ngoài ra còn giúp phòng tránh tiểu đường, giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch, phòng chống ung thư.

Nhiều nhà khoa học châu Âu và Mỹ đã nhận định: Ở châu Á, phụ nữ ăn nhiều sản phẩm chế biến từ đậu nành nên ít bị các triệu chứng không bình thường về thần kinh, tuần hoàn ở tuổi mãn kinh. Và cũng do ăn nhiều đậu nành, phụ nữ châu Á ít bị ung thư vú, bệnh tim mạch và béo phì hơn so với phụ nữ châu Âu, châu Mỹ.

Hãy ăn nhiều sản phẩm chế biến từ đậu nành. Nếu có điều kiện, nên ngâm đậu nành nẩy mầm như kiểu làm giá đậu xanh. Giá sẽ to và mập hơn giá đậu xanh, tác dụng cũng tốt hơn nhiều.

Ngoài ra, chất khoáng Bo (tên Latinh: Borum) cũng có tác động lên mức oestrogen tự sản xuất. Một số nghiên cứu cho thấy, phụ nữ dùng thức ăn giàu Bo (các loại quả chín, rau củ, đậu nành và lạc...) có thể tăng lượng oestrogen tự nhiên trong cơ thể.

BS. Vũ Hướng Văn, Sức Khỏe & Đời Sống 

Theo Vnexpress
  • 1.519