Các chuyên gia đang sửa lại bộ râu trên chiếc mặt nạ của vua Ai Cập Tutankhamun, sau khi nhân viên bảo tàng làm hỏng nó năm ngoái.
Theo Guardian, chiếc mặt nạ 3.300 năm tuổi của Pharaoh Ai Cập Tutankhamun do hai nhà khảo cổ học người Anh, Howard Carter và George Herbert, phát hiện năm 1922. Đây là một trong những báu vật quý nhất thời Ai Cập cổ đại, được khai quật cùng với lăng mộ gần như nguyên vẹn của vua Tutankhamun.
Tháng 8/2014, một nhân viên tại Bảo tàng Ai Cập đã làm long bộ râu trên chiếc mặt nạ khi đang làm việc với di vật. Sau đó, bộ râu được gắn lại vội vàng bằng keo dán epoxy, làm nó bị hư hại vì sửa chữa không đúng cách.
Sau khi phát hiện sai sót vào tháng 1/2015, Bộ Cổ vật Ai Cập đã họp báo tìm cách phục chế lại chiếc mặt nạ. Nhóm chuyên gia người Đức và Ai Cập đưa mặt nạ vào bảo quản trong một phòng thí nghiệm thuộc Bảo tàng Ai Cập, đồng thời lên kế hoặc chi tiết nhằm loại bỏ phần keo dán epoxy, gỡ bỏ bộ râu trước khi dán lại bằng phương pháp được xác định bởi Hội đồng khoa học chung.
Mặt nạ của Tutankhamun.
Christian Eckmann, chuyên gia đứng đầu nhóm phục hồi, cho biết công việc sẽ kéo dài từ một đến hai tháng, tùy thuộc vào thời gian gỡ bỏ bộ râu gắn liền với chiếc mặt nạ.
"Hiện tại, chúng tôi có một số điều không chắc chắn. Do không biết độ sâu của chất keo dán ở bên trong bộ râu, nên chúng tôi chưa xác định được khoảng thời gian để gỡ bỏ bộ râu", Eckmann nói bên lề buổi họp báo.
"Chúng tôi cố gắng thực hiện tất cả các công việc bằng biện pháp cơ học, sau đó chúng tôi có thể sử dụng một chiến lược khác đó là làm nóng chất keo lên một chút. Thật không may keo epoxy không thể hòa tan".
Eckmann cho biết, trong suốt khoảng thời gian phục hồi chiếc mặt nạ, các chuyên gia sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về những kỹ thuật cổ xưa và vật liệu sử dụng để chế tạo ra nó.
"Chúng tôi đang sử dụng cơ hội này để có được những thông tin mới về quá trình sản xuất chiếc mặt nạ", Eckmann nói.