Phương pháp mới nhất điều trị chứng ngưng thở

  •  
  • 601

Bệnh viện tai - mũi - họng TP HCM vừa đưa vào sử dụng phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thông khí, đó là thủ thuật cấy trụ nâng khẩu mềm. Thời gian chỉ mất 5 phút, bệnh nhân ít đau, ít bị xâm nhập và biến chứng như các biện pháp phẫu thuật khác.

Một người bị chứng ngưng thở khi ngủ phải dùng thiết bị thông khí khi ngủ

Một người bị chứng ngưng thở khi ngủ phải dùng thiết bị thông khí khi ngủ. (Ảnh: Bệnh viện tai mũi họng cung cấp, VNE)

Chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng tắc nghẽn từng cơn đường thông khí vùng hầu họng, gây ra tình trạng thiếu oxy máu và làm bệnh nhân mất ngủ. Những rối loạn này sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, trụy tim mạch... Tình trạng này kéo dài làm cơ thể mệt mỏi, dẫn đến việc ngủ gật ban ngày - nguyên nhân gây tai nạn giao thông cũng như tai nạn lao động...

Cấy trụ nâng khẩu mềm là thủ thuật đặt ba mảnh ghép nhỏ bằng sợi Polyester vào trong cấu trúc mô cơ khẩu cái mềm làm trụ nâng. Tác dụng của việc đặt ba mảnh ghép là giúp đường thông khí không bị tắc nghẽn. Đây là một thủ thuật ngoại khoa đơn giản, ít xâm nhập và hiệu quả. Thời gian thực hiện rất nhanh, chỉ mất khoảng 5 phút, bệnh nhân ít đau hơn và ít biến chứng hơn các thủ thuật khác.

Phương pháp này đã được nghiên cứu trên gần 200 bệnh nhân tại Bệnh viện Mount Elizabeth của Singapore. Kết quả cho thấy, không có tác dụng phụ hay biến chứng nghiêm trọng nào. Tỷ lệ thải ghép chỉ chiếm 1,4% và mảnh ghép bị thải có thể được lấy ra dễ dàng.

Các chuyên gia ước tính, có khoảng 24% nam và 9% nữ giới trưởng thành bị ảnh hưởng bởi chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (gọi tắt là OSA). Mức độ nặng nhẹ dựa vào chỉ số khó thở-ngưng thở khi ngủ. Tỷ lệ này có thể tăng lên 37-40% ở những người ngáy nhiều. Và bệnh nhân không biết đến bệnh này, chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh ngáy.

Viện Y học giấc ngủ Mỹ khuyến cáo, bệnh nhân bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể áp dụng biện pháp thông khí với áp lực dương liên tục để điều trị. Khả năng thành công của biện pháp này rất cao nếu bệnh nhân chịu đựng và tuân thủ tốt. Tuy nhiên, qua thực tế do phải gắn trang thiết bị làm người bệnh không thoải mái nên rất ít người tuân thủ. Và bác sĩ phải dùng phẫu thuật để điều trị chứng ngưng thở do tắc nghẽn.

Có nhiều loại phẫu thuật điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Phổ biến nhất là: phẫu thuật hầu, khẩu cái, lưỡi gà (gọi tắt là UPPP - tức cắt bỏ một phần khẩu cái mềm, lưỡi gà và hạnh nhân để mở rộng đường thở) có thể cắt hay không cắt hạnh nhân; phẫu thuật cắt lưỡi gà, khẩu cái bằng tia laser (còn gọi là LAUP). Cả hai phẫu thuật này đều cắt bỏ mô khẩu cái mềm và có tỷ lệ thành công khác nhau. Nhưng cả hai phương pháp đều có một số bất tiện như chi phí cao, tăng các nguy cơ cho bệnh nhân vì phải gây mê toàn thân, hậu phẫu rất đau và có thể bị biến chứng như tình trạng bị chít hẹp đường hầu họng...

Đã có 5 trường hợp bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thông khí được Bệnh viện tai mũi họng TP HCM áp dụng kỹ thuật ghép trụ nâng khẩu mềm để điều trị trong ngày đầu tiên.

Mỹ Lan

Theo Vnexpress
  • 601