Phương pháp nhân giống xoài bằng hạt

  •  
  • 7.069

Có rất nhiều cây xoài mọc từ hạt mà không hề thoái hoá mà chất lượng trái xoài vẫn được đảm bảo. Nhiều giống xoài của ta trong hạt có nhiều phôi - gọi là giống đa phôi.

Các phôi đều mọc thành cây. Hầu hết các phôi đó đều là phôi vô tính do các tế bào phôi tâm hình thành. Các cây hình thành từ phôi vô tính đều giữ được đặc tính của cây mẹ, cũng như các cây chiết, ghép hay cây giâm hom. Duy nhất chỉ có một cây phát triển từ phôi hữu tính do quá trình thụ phấn, thụ tinh hình thành. Cây này dễ nhận biết vì nó thường là cây xấu, còi cọc nhất, để loại bỏ.

(Ảnh: Toptropicals.com)Cách nhân giống xoài bằng các cây mọc từ phôi vô tính vẫn được nhiều nước trồng nhiều xoài ưa dùng. Vì nó không những không bị mất đi các đặt tính tốt của cây mẹ, mà còn bảo đảm tính đồng đều của các cây con và đặt biệt là cây sống rất lâu. Ở Bang Punjab (Ấn Độ) có cây xoài sống tới cả nghìn năm, chu vi thân của nó dài gần 13 m, độ che phủ của tán cây chiếm tới 3.000m2.

Xoài có thể ghép lên các cây cùng họ như cóc (còn gọi là sấu tây), cây điều (còn gọi đào lộn hột – Anacardium xcidenta L). Cho quả to, hạt nhỏ, thịt quả ngon, nhưng cây nhỏ bé, tuổi thọ kém. Ở nhiều nước, kể cả ở ta, người ta vẫn dùng muỗm, quéo hay cây quéo rừng còn gọi mắc chai làm cây gốc ghép. Hiện tượng vết ghép không tiếp hợp cũng có thể xảy ra ở một vài nơi. Người ta cho đó là do ảnh hưởng của thời tiết hay đất đai.

Cẩn thận bạn có thể làm thử trước khi ghép đại trà. Tốt hơn hết là dùng hạt của chính các giống xoài để gieo lấy cây gốc ghép. Chọn giống sinh trưởng khoẻ và đã được trồng nhiều năm ở ngay địa phương mình thì khỏi áy náy gì cả.

Việc ghép xoài cho kết quả tốt, tỷ lệ sống cao, tuỳ thuộc vào tay nghề hay sự quen làm của từng người với từng cách. Theo chúng tôi, cách ghép đơn giản nhất là ghép nêm trên cây gốc ghép non. Làm cách này, đầu tiên cũng lấy hạt còn rất mới từ các quả xoài tốt, đem rửa sạch, rồi gieo ngay. Khi cây con mọc, đem các cây con ra trồng lên luống đã làm đất kỹ, bón phân ải với mật độ 35 – 40 cm hoặc trồng vào chậu hay túi bầu có đúc đất tốt trộn phân, rồi chăm cho cây phát triển bình thường. Khi cây cao 40-50 cm lá đã chuyển từ tía sang xanh, thân cây to độ 0,5 cm thì ghép được.

Hom ghép lấy từ các cành có đường kính tương đương với cây gốc ghép có tuổi trên dưới 1 năm, mọc ở đầu cành, hom cần dài 10-12 cm, hái bỏ hết lá, bỏ chúng vào các bọc vải sạch thấm ướt hay cắm ngập chân hom trong lọ nước. Lấy vừa đủ làm trong 1-2 giờ cho hom khỏi khô. Khi ghép thì vát 2 bên chân hom với độ dày khoảng 1 cm. Ở cây gốc ghép, cũng cắt bỏ ngọn ở phía trên vị trí của lá thật đầu tiên, sau đó chẻ dọc ở giữa thêm xuống khoảng 1 cm. Nêm hom ghép vào gốc ghép, cuốn băng nilon chặt kín. Sau đó, dùng túi nilon kín một đầu trùm kín hom và vết ghép, làm giàn che nắng mưa. Khi hom ghép nhú chồi thì tháo túi nilon cho chồi phát triển. Chồi lên thành cây cao 75-80cm. Lá chuyển sang màu xanh thì đem trồng được.

Mùa ghép và trồng xoài nên tránh lúc quá nắng nóng hay rét, nhiều mưa.


(Ảnh: Unv.org)

Theo Website Rau Hoa Quả Việt Nam, KHKTNN
  • 7.069