Rừng rậm Amazon đang thực sự gặp nguy cấp vì sinh vật này, còn khoa học thì vò đầu bứt tai đi tìm giải pháp.
Rừng Amazon là một "thánh địa" của những sinh vật đáng sợ nhất thế giới. Hùm, beo, rắn, rết, cá sấu châu Mỹ, trăn khổng lồ Anaconda, cá Piranha... tất cả đã biến Amazon thành một cái tên ai cũng rùng mình khi nhắc đến.
Tuy nhiên, giờ đây giới khoa học đang phải đau đầu vì một sinh vật được đánh giá là nguy hiểm bậc nhất, với tác hại chúng gây ra còn... vượt xa cả cái chết. Và tin được không, sinh vật nguy hiểm ấy là... loài trai vàng Amazon (Limnoperna fortunei - golden mussel).
Trai vàng đang là loài vật nguy hiểm nhất Amazon.
Có vẻ ngoài nhìn vô hại và rất... ngon mắt, nhưng kỳ thực trai vàng là một loài xâm thực cực kỳ nguy hiểm. Chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đã bám theo các tàu buôn đột nhập vào Nam Mỹ từ những năm 1990. Và rồi chỉ sau chưa đầy 1 thập kỷ, chúng đã hoàn toàn xâm chiếm các vùng nước trong rừng Amazon.
Trai vàng có sức sống rất mãnh liệt. Chúng có thể chịu đựng được nhiều biến cố khác nhau từ môi trường, lại phát triển rất nhanh và vô cùng... hung hãn. Loài trai quái vật đã thay đổi toàn bộ môi trường nước ở đây, giết chết nhiều loài vật bản địa.
Đây thực sự là một thảm họa, vì sông Amazon vẫn đang được xem là hệ sinh thái nước ngọt lớn nhất thế giới hiện nay.
Không chỉ thiên nhiên, mà thiệt hại kinh tế loài trai này gây ra cũng không hề nhỏ. Các chuyên gia Brazil cho biết, chúng đã sinh sôi nảy nở đến mức làm tắc nghẽn các đường ống của nhà máy thủy điện, gây thiện hại tới $20.000/ngày (khoảng hơn 440 triệu đồng).
Thiệt hại kinh tế loài trai này gây ra cũng không hề nhỏ.
Trên thực tế, trai vàng chỉ là một ví dụ điển hình về tác hại của những loài xâm thực đến các vùng đất trên thế giới. Vậy nên, sẽ cần thiết nếu như ta có thể đưa ra một phương pháp hiệu quả để giải quyết những vị khách không mời này.
Tiêu diệt các loài động vật xâm thực không phải là một ý tưởng mới, nhưng các phương pháp thực hiện điều đó luôn vấp phải nhiều tranh cãi. Trước kia, người ta đưa vào môi trường thêm một loài "thiên địch" của sinh vật xâm thực, hay dùng hóa chất mạnh để tấn công chúng. Tuy nhiên, tất cả đều ít nhiều gây ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho các loài động vật bản địa.
Nhưng Marcela Uliano da Silva từ ĐH Rio de Janeiro - ngôi sao mới trong ngành khoa học của Brazil đã để xuất một giải pháp cực kỳ tuyệt vời. Thay vì các ý tưởng truyền thống, cô nhắm đến một thứ phức tạp, nhưng đầy tiềm năng hơn: công nghệ gene.
Cụ thể hơn, Uliano da Silva muốn "bắt cóc" một lượng trai, sau đó hủy đi một loại gene đứng sau khả năng thích nghi khủng khiếp chúng. Lượng trai này sẽ được thả về tự nhiên để tiếp tục sinh sản, và rồi các thế hệ sau đó sẽ chết dần chết mòn.
Uliano da Silva - ngôi sao mới của giới khoa học Brazil.
Trong những năm gần đây, công nghệ chỉnh sửa ADN đã trở nên phổ biến, dễ sử dụng hơn và... rẻ hơn nữa. Đây cũng không phải lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng. Trong quá khứ, các nhà khoa học đã triệt tiêu một số gene của loài cá đá - sinh vật đang xâm thực phần lớn môi trường của Ngũ Đại Hồ (5 hồ lớn của Bắc Mỹ).
Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng việc biến đổi gene của một loài "mạnh" như trai vàng có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường trong tương lai. "Chúng ta biết tiến hóa là một quá trình liên tục" - trích lời James Collin - giáo sư sinh học tiến hóa tại ĐH Arizona (Mỹ). Rõ ràng, chúng ta chẳng thể chắc chắn bất cứ điều gì về sự biến động của thiên nhiên.
Hiện tại, Uliano da Silva đã mã hóa được một số vùng gene quan trọng của trai vàng - sẽ được công bố trong tháng 7 trên tạp chí PLOS ONE.
Theo cô tiết lộ, cô có thể loại bỏ gene giúp trai bám vào tàu thuyền, gene giúp kháng bệnh và sinh sản bùng nổ ở bất kỳ không gian nào.